Bánh phục linh, món bánh thường xuất hiện trong các dịp Tết ở miền Tây Nam Bộ
- Rin Chen
- Đăng lúc: Thứ năm, 20/01/2022 16:37 (GMT +7)
Mặc dù là chiếc bánh “toàn là bột”, thế nhưng bánh phục linh vẫn luôn có mặt trong mỗi dịp Tết đến xuân về ở miền Tây.
Bánh phục linh là gì?
Bánh phục linh vồn có nguồn gốc từ Quảng Ngãi. Nếu như ở Quảng Ngãi, chiếc bánh này thường có màu trắng thì tại miền Tây, khi làm bánh phục linh, người ta sẽ kết hợp thêm cùng lá dứa, củ nghệ, củ dền… và tạo ra những chiếc bánh nhiều màu sắc đẹp mắt.
Nguyên liệu để làm bánh phục linh
Mặc dù là một chiếc bánh không có nhân và chỉ toàn bột, thế nhưng bánh phục linh không hề “chán” như suy nghĩ của nhiều người. Bánh được làm từ bột năng, nước cốt dừa và đường trắng. Để những chiếc bánh có màu sắc hấp dẫn hơn thì người làm sẽ dùng các nguyên liệu thiên nhiên như lá dứa để tạo màu xanh lá, củ nghệ để tạo màu vàng, củ dền hoặc thanh long đỏ tạo màu hồng đỏ…
Cách làm bánh phục linh
Nếu nhìn qua, nhiều người sẽ nghĩ bánh phục linh có cách làm đơn giản. Thế nhưng phải tận tay nhìn quá trình hoặc làm thử thì mới thấy được sự công phu khi làm ra chiếc bánh này. Đầu tiên, người làm sẽ rang bột năng cùng vài miếng lá dứa để tạo mùi thơm. Khi lá dứa khô đồng nghĩa là bột chín, người ta sẽ nhấc chảo xuống để trộn cùng hỗn hợp cốt dừa, nước đường, màu tự nhiên thành hỗn hợp bột làm bánh.
Khi nhuộm màu cho bột, người làm bánh sẽ phải rất tỉ mỉ và cẩn thận để bột thật tơi khi trộn, thế nhưng vẫn phải đủ độ ẩm để khi nén không bị vỡ và cũng phải đủ khô để bánh không bị ướt qúa. Nếu không cẩn thận trong khâu trộn bột, khi lấy bánh ra khỏi khuôn, bạn sẽ có những chiếc bánh bị vỡ hoặc không thành hình đẹp mắt. Sau được nén thật chặt, bánh sẽ được lấy ra và xếp ra đĩa.
Bánh phục linh có gì đặc biệt?
Khi ăn những chiếc bánh phục linh vừa được lấy từ khuôn ra, bạn sẽ cảm nhận được độ mềm xốp và vị ngọt béo của bánh. Tuy nhiên những chiếc “bánh tươi” như vậy sẽ không để được lâu. Để giữ bánh trong nhiều ngày hơn, người ta sẽ đem bánh nướng trên than hồng để bột cứng lại, khi ăn sẽ thấy những chiếc “cốp cốp” giòn rụm.
Bánh phục linh không chỉ thơm mùi lá dứa mà còn béo ngậy mùi nước cốt dừa và ngọt lịm vị đường. Trước đây, trên bàn thờ cúng gia tiên của nhiều gia đình miền Tây luôn có một đĩa bánh phục linh với nhiều màu sắc đẹp mắt. Tuy hiện nay món bánh này không còn phổ biến như trước, thế nhưng mỗi dịp Tết đến, nhiều người vẫn chuẩn bị một đĩa bánh phục linh bên khay mứt Tết. Vừa cắn những miếng bánh phục linh vừa thưởng thức cùng một ngụm trà sen thơm ấm sẽ là những trải nghiệm mà bạn không thể nào quên.