Bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao?

Người nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện khi 30 tuổi vào năm 1990. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân vẫn ổn định và sinh hoạt bình thường.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hải, Phó trưởng Phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết người nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam là một phụ nữ ở TP.HCM, được phát hiện vào năm 1990, lúc bà 30 tuổi.

Bà vô tình phát hiện mình bị nhiễm HIV khi đang làm các thủ tục xuất cảnh cùng người yêu. Sau đó, bệnh nhân này được theo dõi định kỳ và bắt đầu uống thuốc điều trị kháng virus (ARV) từ tháng 1/1997.

Bác sĩ Hải cho biết, hiện nữ bệnh nhân đã 60 tuổi, nhờ tuân thủ điều trị nên sức khỏe của bà vẫn ổn định và sinh hoạt bình thường. Hiện bà vẫn được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Theo thống kê, Việt Nam đã trải qua 30 năm ứng phó với căn bệnh HIV. Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng cho biết Việt Nam là một trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, 3 nước còn lại là Anh, Đức và Thụy Sĩ.

Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và 200.000 trường hợp không bị tử vong do AIDS. Cũng trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục giảm lượng bệnh nhân mới nhiễm HIV, giảm trường hợp chuyển sang AIDS và các ca tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Mức độ kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng đạt dưới 0,3%.

Người nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam giờ ra sao? - Ảnh 1

Hiện tại con số nhiễm HIV của Việt Nam đang là 230.000 người, trong đó 153.000 bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV. Mục tiêu là chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. 

Theo đó, dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục giảm nhưng hình thái lây nhiễm có sự thay đổi, xuất hiện các nhóm quần thể có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm mới. Trong đó, MSM hay còn gọi là quan hệ đồng giới nam, đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam.

Bài liên quan

News feed