Cụ bà 79 tuổi nguy kịch do bị mò đốt
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ năm, 26/11/2020 11:52 (GMT +7)
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn nặng chỉ vì bị mò đốt
Bác sĩ Trần Quốc Hưng, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, cho biết đơn vị mới tiếp nhận bệnh nhân nữ, 79 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt rét kéo dài 5 ngày, viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn, được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Yên Thế lên.
Sau khi thăm khám và tiến hành kiểm tra các bác sĩ phát hiện bà bị mò đốt.
Bác sĩ Hưng cho hay, bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn nặng, có nguy cơ tử vong, may mà vẫn điều trị được và tình trạng bệnh nhân đã khá lên.
Cụ bà được lọc máu liên tục, điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, sau đó tình trạng sốt của bệnh nhân được kiểm soát, sức khỏe cải thiện nhiều, thoát sốc nhiễm khuẩn.
Chuyên gia y tế cho hay, sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Rickettsia orientalis có trong ấu trùng loài mò gây nên, có tỷ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Bệnh sốt mò dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác với các biểu hiện điển hình như sốt cao liên tục, kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi cơ thể, da xung huyết (phù nhẹ vùng mặt, mu chân).
Được biết vi khuẩn Rickettsia orientalis gây nên các tổn thương thường gặp như viêm phổi, tràn dịch màng phổi gây suy hô hấp cấp, tổn thương tế bào gan, đồng thời bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp, viêm cơ tim, viêm não, viêm màng não...
Do đó bác sĩ khuyến cáo mọi người cần mặc quần áo kín, quần áo có tẩm hóa chất chống côn trùng khi đi vào rừng, rẫy. Tránh ngồi, nằm, phơi quần áo, đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Khi cơ thể xuất hiện các vết mò đốt và có sốt sau đó, cần kịp thời đi khám để có phương án điều trị sớm.
Bệnh sốt mò còn gọi là sốt bờ bụi, là một loại sốt phát ban do vi khuẩn Rickettsia gây ra. Đây là vi trùng lây truyền từ chuột sang người thông qua vết cắn của ấu trùng con mò (Trombicula). Bệnh có đặc điểm sốt kéo dài, trên cơ thể người bệnh có vết loét do côn trùng đốt, phát ban dạng sẩn và viêm hạch. Bệnh thường gặp ở các nước châu Á nhiệt đới, nhất là những khu vực rừng núi có cây cối rậm rạp, đất mùn ẩm ướt, hang hốc trong núi đá hay những nơi như hai bên bờ suối, dọc bờ biển. Nơi đây vừa có khí hậu nóng ẩm, thích hợp cho con mò phát triển, vừa có những con thú mang mầm bệnh là các loài gặm nhấm. Thời điểm trong năm thích hợp cho bệnh bộc phát là khoảng tháng 6 đến tháng 9. Mò sống bằng cách hút máu trên cơ thể động vật máu nóng, đặc biệt là các loài gặm nhấm, tiêu biểu là chuột. Nếu mò hút máu con vật có mầm bệnh Rickettsia thì cũng sẽ sinh ra một thế hệ ấu trùng bị lây nhiễm tiếp tục. Sau đó, nếu gặp cơ thể người, mò sẽ bám lên, chèn ống hút ở miệng vào nang lông hay lỗ chân lông ở vùng da mềm, có nếp nhăn như nách, khuỷu, đầu gối... và truyền vi trùng gây bệnh cho người. Tuy nhiên, bệnh sốt mò hoàn toàn không lây truyền từ người sang người. |