Mẹ bỏ bữa sáng của con làm tăng nguy cơ trẻ béo phì
- ThanhPham
- Đăng lúc: Thứ hai, 11/01/2021 15:39 (GMT +7)
Tính riêng trên địa bàn TP.HCM, có tới hơn một nửa số trẻ tiểu học bị thừa cân, trong đó có lý do đến từ việc phụ huynh bỏ bữa sáng của con.
Theo BSCK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam thì tình trạng béo phì, thừa cân tại trẻ nhỏ ngày càng tăng trong những năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do kiến thức về dinh dưỡng trong các gia đình không cao, chế độ ăn cho các bé bị mất cân bằng và không khoa học, bên cạnh đó là những tác động của lối sống, môi trường sống và thói quen sinh hoạt.
Một trong những nguyên nhân quan trọng tác động và làm nghiêm trọng tình trạng béo phì ở trẻ là nhiều gia đình bỏ qua hoặc coi nhẹ vai trò của bữa sáng với trẻ nhỏ.
Không phải gia đình nào cũng có đủ thời gian để chăm lo một cách khoa học cho bữa sáng của trẻ, nhất là đối với các gia đình đông con, bận rộn hoặc có mức sống không cao. Để giải thích cho tình trạng “bỏ qua” bữa sáng của trẻ nhỏ, theo khảo sát thì phổ biến nhất là những lý do ảnh hưởng của yếu tố khách quan hoặc môi trường sống như: Bố mẹ đi làm sớm, đường xa hoặc kẹt xe… hoặc cá biệt có gia đình cho rằng, bữa sáng chỉ cần “ăn tạm” miễn sao nhanh gọn để còn kịp giờ đi học của bé, đi làm của cha mẹ.
Một trong số các phương án nhiều bậc cha mẹ áp dụng để giải quyết bữa sáng cho con em mình chính là đồ ăn nhanh. Để tiết kiệm thời gian vội vàng buổi sáng, phụ huynh không ngại mua những phần ăn mua sẵn như bánh hambuger, bánh kẹp hay xúc xích... cho nhanh tiện.
Hoặc với các bé lớn hơn thì các bố mẹ còn phương án xử lý là cho tiền các bé tự mua đồ ở căng-tin trường hoặc cổng trường, mà đa phần các bé sẽ lại chọn các món đồ ăn chiên, rán nhiều dầu mỡ hoặc đồ ăn đóng gói ăn liền.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, việc để trẻ ăn dài ngày những loại thức ăn nhanh như hamburger, mì gói, xúc xích, xiên que... cho bữa sáng hết sức nguy hiểm. Bởi những loại thực phẩm này thường có nhiều dầu mỡ, chiên xào, có nhiều chất béo, nhiều muối, đường và các chất phụ gia công nghiệp nên ăn vào sẽ tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Khi trẻ bỏ bữa sáng hoặc ăn qua loa vào bữa sáng sẽ mau đói, đến bữa trưa, bữa chiều lại ăn nhiều hơn để bù cho cơn đói, khiến lượng thức ăn trẻ nạp vào nhiều hơn.
Tại TP.HCM, hiện tưởng trẻ tiểu học thừa cân, béo phí chiếm tới 50%, ngoài ra có 15,4% trẻ học đường (6 - 18 tuổi) bị tăng huyết áp, xuất hiện những trường hợp trẻ mới 9 tuổi đã bị đái tháo đường type 2, bệnh lý thường chỉ xuất hiện ở người cao tuổi.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ bị cao huyết áp, đái tháo đường và một số bệnh ung thư lớn gấp nhiều lần bình thường. Quan điểm người trẻ, nhất là trẻ nhỏ sẽ không bị tăng huyết áp là quan điểm sai lầm bởi hiện tại độ tuổi bị tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa một cách đáng báo động.
Để đối phó với tình trạng này, bác sĩ Ngọc Diệp khuyên dù có bận rộn đến đâu, các gia đình nên cố gắng sắp xếp thời gian cho trẻ chế độ ăn uống lành mạnh, cân đối các nhóm thực phẩm. Duy trì chế độ ăn 3 phần rau, 2 phần trái cây mỗi ngày (phần sẽ tương đương với tuổi), sử dụng sữa không đường, tích cực cho trẻ vận động, chơi thể thao, hạn chế ngồi một chỗ quá lâu, phụ thuộc máy móc đồ chơi công nghệ và giảm tối đa đồ ăn nhanh để phòng ngừa thừa cân, béo phì. Khi thấy trẻ tăng cân nhanh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn phòng thừa cân, béo phì.