Bác sĩ ĐH Y Dược TP.HCM mách cách để ngủ ngon hậu Covid-19
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ tư, 09/03/2022 22:37 (GMT +7)
Sau khi mắc Covid-19 nhiều người mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Nếu tình trạng này không được can thiệp, điều trị sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, kiệt quệ.
Sau khi mắc Covid-19 nhiều người phải đối mặt với việc mất ngủ, ngủ không ngon giấc... khiến chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng. Từ đó làm cho cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, thiếu sức sống. Vậy nên làm thế nào để có một giấc ngủ ngon hậu Covid-19?
Liên quan đến vấn đề này, ThS.BS. Bùi Diễm Khuê, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, đây có thể là do người bệnh gặp phải tâm trạng lo lắng, stress về việc bản thân mắc COVID-19 và nỗi sợ hãi sẽ khiến người bệnh ngủ không ngon, mất ngủ.
>>> Xem thêm: BS Trương Hữu Khanh giải đáp: Test Covid-19 cho trẻ lấy dịch mũi hay nước bọt để có kết quả chuẩn
Điều trị mất ngủ hậu COVID-19 thế nào?
BS Khuê cho biết thêm, để điều trị chứng mất ngủ hậu Covid-19 có 2 cách chính bao gồm sử dụng liệu pháp nhận thức - hành vi và thuốc.
Liệu pháp nhận thức - hành vi:
Liệu pháp nhận thức - hành vi là một liệu pháp tâm lý, giúp chúng ta thay đổi nhận thức, thói quen, suy nghĩ và hành vi liên quan đến giấc ngủ, nhằm mang tới cho bạn 1 giấc ngủ sâu và khỏe mạnh. Một thành phần cơ bản trong liệu pháp này là vệ sinh giấc ngủ, trong đó sẽ bao gồm:
- Phòng ngủ phải đủ yên tĩnh, đủ tối, với nhiệt độ thích hợp, nệm, gối, giường thoải mái.
- Có thể nghe "tiếng ồn trắng" hoặc nhạc nhẹ trước giờ ngủ.
- Tránh sử dụng/uống chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá, rượu bia trong vòng 6-8 giờ trước giờ ngủ.
- Trước khi ngủ, không nên uống nhiều nước để không bị đánh thức vì tiểu đêm.
- Trước khi ngủ cũng tránh ăn quá no, hoặc vận động mạnh.
- Tránh sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, laptop… trong vòng 1 giờ trước khi ngủ.
- Thức dậy cùng 1 thời điểm vào buổi sáng, cho dù là cuối tuần để tạo thành thói quen.
- Tránh ngủ trưa quá nhiều dù đêm trước mất ngủ, vì ngủ bù nhiều vào ban ngày, đêm hôm sau bạn sẽ lại mất ngủ.
- Nếu không ngủ được khi nằm trên giường quá 20 phút, nên ra khỏi giường và làm việc nhẹ nhàng trong ánh sáng êm dịu.
Các cách trên sẽ không giúp bạn ngủ ngay, nhưng nếu kiên trì thực hành, bạn sẽ có được giấc ngủ khỏe mạnh lâu dài.
Có thể dùng một số nhóm thuốc không cần kê toa:
- Thuốc ngủ thảo dược:
Hãy chọn những loại thuốc có thành phần thảo dược như tim sen, bình vôi, lạc tiên… để trị mất ngủ hậu COVID-19 vì các loại này thường ít tác dụng phụ.
- Melatonin:
Đây là hormone của giấc ngủ có tác dụng tốt nếu bạn có thói quen ngủ quá trễ và cần điều chỉnh giờ đi ngủ sớm hơn.
Khi dùng thuốc có thể gây một số tác dụng phụ: Đau đầu, khó chịu ở dạ dày… Tuy nhiên, những triệu chứng này rất ít, không đáng kể.
- Thuốc kháng histamine:
Là thuốc chống dị ứng, thường dùng để điều trị dị ứng, có tác dụng phụ là gây ngủ thích hợp cho các bệnh nhân mất ngủ kèm ngứa, viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc đó là khô miệng, chóng mặt…
Bên cạnh đó, bạn hãy tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc buổi chiều, vì như vậy sẽ giúp bạn có được thể trạng tốt hơn, tinh thần thoải mái hơn. Nguyên nhân là do khi tập thể dục nhiệt độ cơ thể bạn sẽ tăng và điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Cụ thể khi bộ điều nhiệt bên trong cơ thể vào cuối ngày giảm trở lại mức bình thường sau khi tăng, nó sẽ kích hoạt cảm giác buồn ngủ và giúp bạn ngủ ngon hơn. Nếu tập thể dục ngoài trời, được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, sẽ giúp cơ thể bạn thiết lập một chu kỳ ngủ - thức tốt hơn.