Căn bệnh đáng sợ hơn ung thư: 6 giây có 1 người tử vong
- Thanh Le
- Đăng lúc: Thứ hai, 19/10/2020 17:37 (GMT +7)
Khi đứng lên bỗng nhiên bị liệt tay, loạng choạng và khi hỏi thì méo miệng không nói được, người nhà nên nghĩ ngay tới đột quỵ.
Theo TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khi có các dấu hiệu “Méo miệng, ngọng nói hãy gọi ngay cấp cứu luôn đừng chờ”, vì đó chính là những dấu hiệu đầu tiên của đột quỵ.
Bác sĩ Thắng cho hay, theo thống kê trên thế giới cứ 6 giây có 1 người đột quỵ và 6 triệu người tử vong cùng hàng chục triệu người bị di chứng gây tàn phế mỗi năm.
Đặc biệt tại Việt Nam đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, vượt cả ung thư, ước tính mỗi năm có khoảng 200 nghìn người tử vong do đột quỵ.
Nói về căn bệnh này bác sĩ Thắng đưa ra hai ví dụ điển hình của việc cấp cứu sớm sẽ quyết định sống còn của người bệnh. Trong đó có một nam bệnh nhân 70 tuổi đến bệnh viện khám vì bệnh lý khác nhưng đột nhiên bệnh nhân liệt nửa người, yếu tay chân, nói ngọng, miệng méo.
Ngay lập tức người bệnh này được đưa vào chụp CT não phát hiện có tắc mạch máu não và được can thiệp thuốc tiêu sợi huyết, sau đó truyền dịch và chỉ 3 giờ sau bệnh nhân đã hoàn toàn không còn các triệu chứng. Sau 24h, chụp CT não không còn tổn thương.
Một bệnh nhân khác 60 tuổi được đưa từ Tiền Giang lên TP.HCM cấp cứu. Người nhà bệnh nhân cho hay, bệnh nhân bị yếu và có dấu hiệu liệt từ 7h sáng và đến 10h30 mới đưa lên tới TP.HCM. Hơn nữa người bệnh có tiền sử xuất huyết dưới nên không sử dụng tiêu sợi huyết.
Khi chụp CT phát hiện có tắc ở động mạch lớn nhưng bác sĩ không sử dụng tiêu sợi huyết được nên sử dụng phương pháp can thiệp lấy cục máu đông.
Kết quả thành công nhưng đã qua 4 tiếng nên bệnh nhân vẫn còn liệt, nói ngọng, chụp MRI còn 1 nửa não vẫn bị ảnh hưởng.
Qua đó bác sĩ Thắng muốn cho mọi người biết rằng với căn bệnh này thì thời gian chính là yếu tố quyết định cứu vãn bệnh nhân hay không. Trong đột quỵ, khi tế bào não đã chết thì không thể cứu được nữa.
Các yếu tố gây nguy cơ đột quỵ cao như tuổi cao, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, ít vận động. Bên cạnh đó hút thuốc lá cũng có nguy cơ đột quỵ.
Do đó, muốn phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, mọi người cần khám sức khỏe định kỳ, thay đổi thói quen, có lối sống lành mạnh như hạn chế rượu bia, thuốc lá; ăn uống lành mạnh, tránh căng thẳng, làm việc quá sức…