Từng mất 2000 người trong trận lũ 1953, Hà Lan đã làm gì để thắng lũ

Thành phố Rotterdam đã sống chung với lũ 800 năm, nhưng trận lụt lịch sử năm 1953 vẫn cướp đi 2000 sinh mạng. Họ đã biến nỗi đau thành hành động như thế nào?

Hà Lan là quốc gia sống dưới mực nước biển nhiều thế kỷ này. Rotterdam lại là thành phố trũng nhất Hà Lan. Nơi này thường xuyên có mưa to cùng vô số những cơn bão ghé thăm. Khoảng 80% diện tích thành phố này nằm dưới mực nước biển và một số khu vực thậm chí thấp hơn mực nước biển đến gần 6m. Bởi vậy việc chống lũ lụt là điều bất khả thi và 800 năm qua, người dân nơi đây chọn cách sống chung với lũ một cách an toàn.

Trải qua nhiều thế kỷ, người Hà Lan đã xây dựng các hệ thống đê, kè, kênh, cối xay gió và máy bơm để điều tiết nguồn nước. Đây là cách lấn biển hiệu quả tại những bãi bồi trước đó vốn nằm dưới mực nước biển làm nơi sinh sống và sản xuất.

Tuy nhiên trận thiên tai năm 1953 như là một hồi chuông cảnh tỉnh, bởi hệ thống đê bao chưa hoàn thiện trước những biến đổi liên tục của khí hậu. Đó là một trận lụt lịch sử gây ra cái chết của 2000 người.

Sau đó, Hà Lan đầu tư hàng chục tỷ Euro để thay đổi cách đối phó và phòng ngừa lũ lụt. Đất nước tiếp tục xây dựng đập và đê để ngăn lũ nhưng với quy mô lớn hơn, chắc chắn hơn.

Tiêu biểu là dự án pháo đài ngăn lũ Delta Works với 3 chốt chặn, 6 đập và 4 hàng rào ngăn lũ khổng lồ. Hệ thống này vận hành theo cơ chế van tự động đóng mở khi gặp các tình huống nước biển đột ngột dâng cao và có thể di chuyển được. Sự hiện đại phức tạp và đồ sộ của pháo đài ngăn lũ khiến nó được xưng tụng như một kỳ quan của thời hiện đại

Detal Works được ví là kỳ quan thời hiện đại.

Đến năm 2008, chính quyền Hà Lan nhận thấy không thể chỉ chống lũ mà cần sống chung an toàn cùng lũ. Vì thế, các dự án tập trung di dời các con đê và hạ thấp miền đồng bằng dọc theo các con sông tại 30 điểm xuyên khắp quốc gia đã ra đời.

Dự án này giúp tạo ra một hệ sinh thái cùng nhiều sáng kiến ​​mới, như tạo lập được hệ đầm lầy đước ở vùng đệm chắn sóng, hay thí điểm “Động cơ cát” trị giá 70 triệu Euro với dung tích 21,5 triệu m3 cát dọc theo bờ biển phía Nam để tạo ra một bãi biển 35 ha mới như một tuyến phòng thủ từ xa cho bờ biển.

Nhưng đối với thành phố Rotterdam ở Hà Lan, việc phòng lũ là bài toán khó hơn cả dù đã có hai dự án nói trên.

Từng có thời gian dài chính quyền dùng phương pháp xây hệ thống bờ kè bao, đập chắn và bơm thoát nước ra khỏi thành phố trong mùa lũ. Tuy nhiên phương án đó giờ đã không khả thi trước những biến đổi ngày càng khắc nghiệt của khí hậu, Rotterdam chuyển sang những ý tưởng mới để người dân sống trong cảnh nước ngập dâng cao mà vẫn sinh hoạt được.

Cảng biển lớn nhất Châu Âu Rotterdam sống chung với lũ 800 năm.

Một trong số đó là dự án RCP. Dự án này ưu tiên đầu tư công nghệ, phát triển các kỹ thuật và tận dụng mọi nguồn lực để người dân có cuộc sống an toàn, đảm bảo sinh hoạt trong mùa lũ. Ngoài ra, dự án còn tập trung phát triển các cơ hội về kinh tế, sản xuất, du lịch nhờ mưa lũ mà một trong số đó là chăn nuôi, canh tác trên nóc nhà.

Để thực hiện dự án này và thu hút người dân tham gia, chính quyền Rotterdam đã hỗ trợ thiết kế cũng như dạy các kỹ thuật liên quan miễn phí.

Hiện nay, những mảnh vườn nóc nhà tại Rotterdam đã giúp thành phố này hấp thụ khoảng 6.057 m3 nước mỗi ngày, qua đó giảm bớt tình trạng ngập úng do mưa lớn. Chính quyền thành phố Rotterdam lên kế hoạch sẽ tăng hơn 100% diện tích nuôi trồng trên nóc nhà trong 10 năm tới và đặt mục tiêu hấp thụ 18.927 m3 nước vào năm 2030 nhờ công nghệ này.

Không chỉ riêng ý tưởng này, trong trang trí nhà cửa phù hợp với bão lũ, cư dân trong mỗi ngôi nhà đã di chuyển hệ thống dây điện từ tầng hầm lên tầng trên để đề phòng mất điện khi tầng hầm bị ngập, và thay thế sàn gỗ bằng tấm trải sàn chống nước tốt hơn.

Trong thành phố, nhà chức trách đã thực hiện việc xây dựng quảng trường ở nơi thấp nhất để khi mưa lũ sẽ tự đổ về đó để đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, họ còn xây dựng các cơ sở lưu trữ nước, chẳng hạn như một nhà để xe dưới lòng đất với lưu vực có kích thước bằng bốn bể bơi Olympic.

Những chiến thuật được thay đổi liên tục để ứng phó với bão lũ khiến Rotterdam, thành phố thấp hơn mực nước biển đến 6m và trải qua 800 năm bão lũ vẫn giữ vững ngôi vị là đô thị lớn thứ 2 Hà Lan và là cảng biển lớn nhất châu Âu.

Bài liên quan

News feed