Cappuccino, món cà phê tinh tế của Ý có sức ảnh hưởng trên toàn thế giới
- Bun Bun
- Đăng lúc: Thứ tư, 03/03/2021 16:14 (GMT +7)
Cappuccino pha chế hoàn hảo mang đến cho bạn cảm giác mềm mại và tròn trại trên lưỡi và lưu lại dai dẳng trên vòm miệng.
Đối với nhiều người Ý, bánh sừng bò và cappuccino là những yếu tố làm nên bữa sáng hoàn hảo. Chỉ cần nhắc tới cái tên "Cappuccino" là người ta sẽ nghĩ ngay tới nước Ý. Và thực sự, nếu hỏi người Ý đâu là thức uống và cũng là biểu tượng của đất nước mình, thì ly cà phê nổi tiếng thơm ngon với phần sữa sủi bọt phía trên - cappuccino là một trong những thứ đầu tiên người Ý nghĩ đến. Có lẽ chỉ cạnh tranh vị trí với người anh em espresso của nó.
Khởi nguồn của cappuccino
Là thức uống phổ biến của nước Ý và lan toả ra khắp thế giới. Lịch sử của thức uống này được bao phủ bởi vô số các truyền thuyết hấp dẫn.
Một trong những truyền thuyết được người ta nhắc đến nhiều nhất về nguồn gốc của cappuccino có liên quan tới Marco da Aviano, một giáo chủ thuộc hàng tu sĩ Capuchin, đại biểu của Giáo hoàng được cử đến Vienna, vào những năm 1683 xa xôi, với ý định thành lập một liên minh quân sự để chống lại cuộc xâm lược của người Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã được phục vụ một ly cà phê.
Tuy nhiên, giáo sĩ nhận thấy cà phê quá đắng và yêu cầu làm ngọt nó bằng cách thêm một số thành phần khác. Họ cho ông thêm một ít kem tươi, làm cho màu cà phê nhạt hơn và vị dễ uống hơn. Khi kem tươi hòa vào với cà phê tạo cho nó một màu tương tự như màu nâu của áo dài các tu sĩ Capuchin đang mặc. Nhìn thấy thứ pha chế kỳ lạ này được tạo ra, một bồi bàn người Áo đã thốt lên rằng “Kapuziner” nếu dịch ra trong tiếng Ý chính là "cappuccino".
Lại có một truyền thuyết khác về sự ra đời của món đồ uống nổi tiếng này, người ta kể rằng trong số quân Áo, có một người sau khi phát hiện ra những túi cà phê bị quân Thổ tháo chạy bỏ rơi trên đường, người này đã quyết định sử dụng nó trong quán cà phê riêng ở Vienna với việc bổ sung kem tươi.
Công thức sơ khai ban đầu của cappuccino chính là phần cà phê xay nấu với nước, sau đó chắt lấy phần nước cà phê vừa sôi rồi đổ ra ly. Tiếp đó đổ kem tươi vào ly và khuấy đều lên. Tại sao lại là kem tươi mà không phải là sữa? Bởi vì trong giai đoạn đó với người dân sữa không được dùng làm đồ uống mà hầu như chỉ được dùng để làm phô mai, bơ…
Cappuccino – Biểu tượng của nước Ý
Chỉ từ những năm đầu của thế kỷ XX, chính xác là năm 1901, khi Luigi Bezzera sáng chế ra máy pha cà phê espresso. Nhờ có chiếc máy này, cappuccino mới được tạo ra với hương vị đặc sắc như thế. Người ta tìm thấy các bằng chứng đầu tiên liên quan đến việc tiêu thụ cappuccino ở Ý vào năm 1930. Nó thường được phục vụ với bột quế hoặc vụn sô cô la.
Thức uống này ngày càng được đánh giá cao, đến mức nhiều quán bar (ở Ý, quán bán cà phê sẽ gọi là quán bar) và nhà hàng bắt đầu phục vụ nó. Tuy nhiên, máy pha cà phê espresso vẫn chưa dễ sử dụng và cũng không phổ biến rộng rãi.
Kỷ nguyên vàng của cappuccino bắt đầu vào cuối Thế chiến thứ hai, khi thức uống này trở thành thứ mà chúng ta biết đến ngày nay, một sự cân bằng tao nhã giữa cà phê espresso và sữa đánh bọt. Kể từ đó, thành công của nó đã đưa thức uống này có mặt khắp nơi trên toàn cầu. Cappuccino đã chinh phục khẩu vị tất cả mọi người nhờ các biến thể ngon miệng và tạo hình đẹp mắt của nó.
Có một điểm đặc biệt nữa khi người Ý chỉ dùng cappuccino vào buổi sáng. Đối với họ, cappuccino chỉ lựa chọn để khởi đầu ngày mới chứ họ sẽ không dùng nó sau bữa trưa. Từ bữa trưa đổ ra là thời gian của epresso và các loại cà phê khác.
Từ cappuccino đến nghệ thuật “Latte art”
Từ niềm đam mê cappuccino và espresso macchiato, một nghệ thuật thực sự đã được tạo ra, bao gồm trang trí bề mặt của hai loại đồ uống này. Nghệ thuật pha cà phê, gần như chắc chắn được phát minh vào những năm 1970 ở Ý.
Latte art là kỹ thuật trang trí đồ uống cà phê với sự kết hợp hoàn hảo giữa sữa đánh bông và cà phê espresso. Cách trộn lẫn hai thành phần này mang lại một tên gọi khác cho thức uống cuối cùng tùy thuộc vào liều lượng sử dụng và ảnh hưởng đến cảm nhận về hương vị.
Một ly cappuccino được pha chế hoàn hảo tạo ra một loạt các cảm giác khứu giác và xúc giác độc đáo. Bọt sữa tạo thành một vòng tròn trắng bóng và mịn ở chính giữa ly, nổi bật là một vòng cà phê espresso bao quanh.
Ngay khi bạn đưa cốc lại gần, mùi thơm bạn có thể cảm nhận được vẫn còn mờ nhạt, bởi vì chúng được bao bọc bởi các bọt siêu nhỏ của sữa. Ở ngụm đầu tiên, tất cả các nốt hương thơm được giải phóng lan toả; mỗi ngụm là một sự cân bằng hoàn hảo của hương vị. Vị đắng của cà phê được làm dịu bởi vị ngọt của sữa ấm dễ chịu.
Cảm giác xúc giác chính là điều tạo nên sự khác biệt: bọt siêu nhỏ của sữa hòa quyện hoàn hảo với cà phê espresso mang đến cho bạn cảm giác mềm mại và tròn trịa tỏa ra trên lưỡi và lưu lại dai dẳng trên vòm miệng.
À còn một điểm nữa mà bạn nên biết đó là hãy uống cappuccino thật nhanh ngay khi bọt sữa còn đang mịn, khô hoàn hảo, cà phê còn đang thơm nồng. Đừng ngại uống những ngụm cappuccino thật lớn, bởi xét cho cùng, cappuccino không phải thứ cà phê dành cho việc uống lai rai, khi bọt sữa tan ra, xẹp đi, tan với cà phê và lớp sữa ở dưới, cappuccino không còn là cappuccino nữa rồi.