Cheesecake, món bánh hàng ngàn năm lịch sử được khắp thế giới yêu thích
- Bun Bun
- Đăng lúc: Thứ năm, 18/03/2021 11:45 (GMT +7)
Cho dù bạn có thay đổi nó như thế nào, cheesecake vẫn thực sự là một món tráng miệng đã vượt qua thử thách của thời gian.
Cheesecake hay còn được gọi là bánh phô mai có lớp vỏ ngoài giòn, thơm, cốt bánh mềm mịn, béo ngậy của phô mai, thoảng vị chua nhẹ của cream cheese. Nhiều người không thích phô mai nhưng một khi lỡ thử một miếng bánh cheesecake sẽ thành “nghiện” lúc nào không hay.
Nhiều người cho rằng cheesecake có nguồn gốc từ New York, nó thực sự có từ xa hơn nhiều. Hãy quay trở lại hơn 4.000 năm về thời Hy Lạp cổ đại và tìm hiểu tất cả về lịch sử phong phú của món tráng miệng này nhé!
Cheesecake đi khắp địa cầu
Cheesecake đầu tiên có thể đã được tạo ra trên đảo Samos của Hy Lạp. Người ta đã khai quật được những khuôn pho mát có niên đại khoảng 2.000 năm trước Công nguyên ở đó. Như vậy, phô mai và các sản phẩm từ phô mai rất có thể đã có từ hàng nghìn năm trước đây.
Ở Hy Lạp, bánh phô mai được coi là một nguồn năng lượng tốt, và có bằng chứng rằng nó đã được phục vụ cho các vận động viên trong các thế vận hội Olympic đầu tiên vào năm 776 trước Công nguyên. Cô dâu và chú rể Hy Lạp được cho là sử dụng bánh cheesecake làm bánh cưới. Tuy nhiên cheesecake thời bấy giờ rất đơn giản với thành phần là bột mì, mật ong và phô mai.
Người ta nghiền phô mai cho đến khi mịn và nhão - trộn phô mai đã nghiền trong thau với mật ong và bột mì - đun nóng bánh phô mai “thành một khối” - để nguội rồi dọn ra đĩa - khác xa với những công thức phức tạp hơn hiện nay.
Nhà văn Athenaeus được ghi nhận là người viết ra công thức làm bánh phô mai Hy Lạp đầu tiên vào năm 230 sau Công nguyên (vào thời điểm này, người Hy Lạp đã phục vụ bánh phô mai hơn 2.000 năm nhưng đây là công thức Hy Lạp cổ nhất còn tồn tại được biết đến).
Khi người La Mã chinh phục Hy Lạp, công thức làm bánh phô mai đã được sửa đổi, bao gồm việc phô mai nghiền và kết hợp với trứng. Những thành phần này được nướng dưới một viên gạch nóng và nó được phục vụ khi còn ấm. Đôi khi, người La Mã sẽ cho nhân phô mai vào bánh ngọt. Người La Mã gọi bánh phô mai của họ là "libuma" và họ phục vụ nó vào những dịp đặc biệt. Marcus Cato, một chính trị gia người La Mã vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, được ghi nhận là người đã ghi lại công thức làm bánh phô mai La Mã lâu đời nhất được biết đến.
Khi người La Mã mở rộng đế chế của mình, họ đã mang công thức làm bánh phô mai đến châu Âu. Ở mỗi quốc gia châu Âu, các công thức làm bánh phô mai bắt đầu mang những hình thái văn hóa khác nhau, sử dụng các nguyên liệu bản địa của từng khu vực. Năm 1545, cuốn sách nấu ăn đầu tiên được in. Nó mô tả cheesecake là một loại thực phẩm ngọt làm từ bột mì.
Ngay cả đầu bếp của vua Henry VIII cũng sáng tạo ra những phiên bản bánh phô mai, trong đó có 2 phiên bản, một là bánh pho mai từ pho mát sữa đông và một từ phô mai mềm.
Tuy nhiên, phải đến thế kỷ 18, bánh phô mai mới bắt đầu trông giống như cheesecake ngày này. Vào khoảng thời gian này, người châu Âu bắt đầu sử dụng trứng đánh bông thay cho men để làm bánh mì và bánh bông lan. Loại bỏ hương vị men quá mạnh đã làm cho bánh phô mai có hương vị giống như một món tráng miệng hơn. Khi người châu Âu nhập cư vào Mỹ, một số người đã mang theo công thức làm bánh phô mai của họ.
Thêm thành phần đặc trưng
Kem phô mai (cream cheese) là một sự bổ sung của người Mỹ cho món bánh, và nó đã trở thành một thành phần chính của cheesecake ở Mỹ. Năm 1872, một nông dân chăn nuôi bò sữa ở New York đã cố gắng tái tạo phô mai Neufchatel của Pháp. Trong quá trình đó, anh tình cờ phát hiện ra một quy trình dẫn đến việc tạo ra kem phô mai. Ba năm sau, kem phô mai được đóng gói trong giấy bạc và phân phối đến các cửa hàng địa phương dưới thương hiệu cream cheese Philadelphia.
Phong cách New York Cheesecake
Tất nhiên, không có câu chuyện nào về bánh phô mai là hoàn chỉnh nếu không đi sâu vào nguồn gốc của bánh phô mai kiểu New York. Cheesecake kiểu New York cổ điển được phục vụ chỉ với bánh - không có trái cây, sô cô la hoặc caramel được phục vụ trên hoặc bên cạnh. Loại bánh có vị mềm mịn nổi tiếng này có hương vị đặc trưng từ lòng đỏ trứng bổ sung trong hỗn hợp cream cheese.
Vào những năm 1900, người dân New York đã yêu thích món tráng miệng này. Hầu như mọi nhà hàng đều có phiên bản cheesecake riêng trong thực đơn của họ. Người dân New York đã tranh giành quyền khoe khoang vì đã có công thức nguyên bản kể từ đó.
Nhiều biến thể hơn ở Mỹ
New York không phải là nơi duy nhất ở Mỹ làm cheesecake. Ở Chicago, kem chua được thêm vào công thức để giữ cho nó có vị kem béo ngậy. Trong khi đó, bánh phô mai Philadelphia được biết đến là nhẹ và nhiều kem hơn bánh cheesecake kiểu New York và nó có thể được phục vụ với trái cây hoặc phủ sô cô la. Ở St. Louis, họ thưởng thức một chiếc bánh bơ béo ngậy, có thêm một lớp bánh phủ bên trên nhân bánh phô mai.
Cheesecake vòng quanh thế giới
Mỗi khu vực trên thế giới cũng có cách riêng để làm món tráng miệng này trở nên ngon nhất theo cách họ muốn. Người Ý sử dụng phô mai ricotta, trong khi người Hy Lạp sử dụng mizithra hoặc feta. Người Đức thích phô mai tươi, trong khi người Nhật sử dụng kết hợp bột ngô và lòng trắng trứng. Có những loại bánh phô mai đặc biệt bao gồm phô mai xanh, hải sản, ớt cay và thậm chí cả đậu phụ!.Mặc dù có tất cả các biến thể, các thành phần chính của món tráng miệng phổ biến – phô mai, bột mì và chất tạo ngọt vẫn giữ nguyên.
Cho dù bạn có biến đổi nó như thế nào, bánh phô mai vẫn thực sự là một món tráng miệng đã vượt qua thử thách của thời gian. Từ sự khởi đầu được ghi nhận sớm nhất ở Samos hơn 4.000 năm trước cho đến khi nó trở thành nổi tiếng trên toàn thế giới như hiện nay, chiếc bánh phô mai này vẫn là món bánh yêu thích của những người hảo ngọt ở mọi lứa tuổi.