Có một kiểu con gái không muốn lấy chồng nhưng vẫn muốn làm mẹ
- Lệ Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ tư, 04/11/2020 16:01 (GMT +7)
Làm mẹ đơn thân nghĩa là phải một mình gánh vác hai vai trò để lo cho con cái một cuộc sống tốt đẹp. Nhưng ngày càng nhiều phụ nữ lựa chọn con đường này.
T.N có một công việc ổn định tại Hải Phòng. Tuy nhiên cô chia sẻ, từ năm 18 tuổi cô phát hiện bản thân không có cảm xúc với bạn khác giới dù rất nhiều người thích. Từ giây phút đó, cô đã biết mình thuộc một thế giới khác và không có ý định kết hôn.
Sau khi học xong đại học, N đã chia sẻ câu chuyện thầm kín của bản thân với Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, để xin tinh trùng làm thụ tinh ống nghiệm. Thấy cô còn quá trẻ nên các bác sĩ “từ chối khéo”, khuyên cô về suy nghĩ lại.
Năm 2019, sau nhiều năm thuyết phục, cô nhận được sự ủng hộ từ mẹ mình. Kể từ đó, lần nào đến trung tâm kích trứng cô cũng có mẹ đi cùng. Đến nay, N đã trải qua 2 lần kích trứng, chuẩn bị làm thụ tinh ống nghiệm ở tuổi 27.
Các bác sĩ tại bệnh viện cho biết, đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp đến trung tâm xin tinh trùng để làm thụ tinh ống nghiệm. Còn có nhiều trường hợp khác đến xin “con giống” với hoàn cảnh rất đặc biệt.
Cũng từng trải qua một cuộc hôn nhân, chị N.T.N, 32 tuổi, ở Nam Định ngại kết hôn. Chị quyết định xin tinh trùng để làm mẹ đơn thân, hiện chị đã đón một cặp sinh đôi vào tháng 9 vừa qua
Một trường hợp khác là chị T. cô gái có rất nhiều người theo đuổi nhưng chưa tìm được ai phù hợp để lập gia đình. Cách đây hơn 1 năm, chị được chẩn đoán đa u xơ tử cung. Bác sĩ cho biết bình thường chỉ cần bóc u xơ, nhưng nếu tiên lượng xấu sẽ phải cắt tử cung để tránh ung thư và khuyên chị nên đi gửi trứng trước để sau này có cơ hội làm mẹ. Sau khi phẫu thuật ổn định, chị T. đã quyết định chuyển phôi làm mẹ đơn thân, hiện chị đang mang thai ở tháng thứ 8.
Một bác sĩ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, từ đầu năm đến nay trung tâm tiếp nhận gần 40 trường hợp đến xin tinh trùng, trong số này có 10 người là đồng tính nữ.
Dù hiện tại trung tâm có gần 300 mẫu tinh trùng hiến tặng, chủ yếu của sinh viên Đại học Y Hà Nội, song đại diện của trung tâm cho biết, việc sử dụng mẫu hiến rất cẩn thận, chỉ ưu tiên những người có nguyện vọng chính đáng như mẹ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt, những phụ nữ có chồng nhưng chồng không có tinh trùng…
Riêng những trường hợp độc thân muốn xin tinh trùng bắt buộc phải có giấy xác nhận độc thân cùng một số giấy tờ kèm theo.
Trước một số ý kiến lo ngại nguy cơ anh em kết hôn sau này nếu xin tinh trùng để làm mẹ đơn thân. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép thông tin: “Mỗi người chỉ được hiến duy nhất một lần, đồng thời tinh trùng của người cho chỉ được sử dụng cho 1 bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân đầu tiên không có thai, mẫu tinh trùng mới được chuyển cho bệnh nhân khác. Với quy định chặt chẽ như vậy nguy cơ anh em cùng bố kết hôn với nhau gần như là bằng 0”.
Theo PGS.TS, quy định như hiện tại của nước ta khá chặt chẽ, tại nhiều nước Bắc Âu còn cho phép một người có thể hiến tinh trùng đến 6 lần.
Cũng theo ông, nhờ ứng dụng nhiều kĩ thuật trong hỗ trợ sinh sản nên tỉ lệ thành công khi thụ tinh ống nghiệm tại trung tâm lên tới 60%. Tỉ lệ này sẽ cao hơn ở phụ nữ còn trẻ.