Sau đợt tổng điều tra dân số, bà Hà Thị Quỳnh Anh, Chuyên gia giới và nhân quyền, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, cho biết ở Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh được phát hiện ở Việt Nam từ cuối thập niên 2000. Theo bà Quỳnh Anh, nếu không có biện pháp khắc phục, đến năm 2050, Việt Nam phải đối mặt viễn cảnh khoảng 2,3-4,3 triệu đàn ông không thể kết hôn vì thiếu nữ giới.
Tỷ lệ chênh lệch giới tính đã tăng từ 106,2/100 bé trai so với bé gái năm 2000 lên 114,8/100 vào năm 2018. Năm 2019, tỷ số giảm nhưng vẫn ở mức cao là 111,5 bé trai/100 bé gái, đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tình trạng này xảy ra ở cả thành thị lẫn nông thôn, gia đình có điều kiện kinh tế hoặc kém hơn, xuất hiện trên 63 tỉnh, thành.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số nhân khẩu học, dẫn đến các hệ lụy khó lường về mặt xã hội, gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới như tình trạng bạo lực giới, nhiều phụ nữ kết hôn sớm; tỷ lệ ly hôn và tái hôn; mua dâm, buôn bán phụ nữ có nguy cơ tăng cao.
Nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng này ở Việt Nam không khác so với các nước châu Á. Đó là bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Mọi người ưa thích con trai hơn vì nhiều lý do khác nhau như có người nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, thêm lực lượng lao động trong gia đình.
Để chấm dứt tình trạng này, chuyên gia cho rằng truyền thông cần góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới.
Bình luận