Covid-19 bị loại khỏi danh mục bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ sáu, 18/03/2022 11:16 (GMT +7)
Căn cứ tình hình dịch Covid-19, Việt Nam sẽ nghiên cứu, đánh giá để chuyển biện pháp phòng, chống dịch từ bệnh truyền nhiễm nhóm A qua bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Vào hôm qua ngày 17/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành tại Nghị quyết 38 về chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Chủ trương của Nghị quyết là bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro, đồng thời sẽ chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong.
Theo đó, căn cứ tình hình dịch bệnh Chính phủ sẽ chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (Các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh) sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong) và chuẩn bị sẵn kịch bản cho mọi tình huống kể cả khi dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế cũng như chuẩn bị cho tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.
>>> Xem thêm: F0 có được nhận tiền BHXH lần 2 nếu tái nhiễm?
Chương trình được thực hiện trong thời gian 2 năm (từ năm 2022 - 2023), trong đó mục tiêu trước mắt là đến hết quý I năm 2022 sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, người từ 18 tuổi trở lên sẽ tiêm hết mũi 3 cho đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm; cũng như trước tháng 9/2022 phải bảo đảm đủ vaccine và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi.
Theo Nghị quyết, tất cả cấp chính quyền cũng được yêu cầu cần có kịch bản phòng, chống dịch Covid-19. Mọi người dân cần tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; toàn bộ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh cần thực hiện linh hoạt nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch" theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở, chuẩn bị sẵn sàng để thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 phù hợp với tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương.
Cụ thể là các cơ sở y tế cần đủ trang thiết bị, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc điều trị; thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa, có cơ chế cấp phát, cung ứng thuốc phù hợp, hiệu quả bảo đảm người mắc Covid-19 được điều trị kịp thời. Cũng như nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là cán bộ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Nghị quyết nêu rõ, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khác là bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của người dân trên tinh thần tiếp tục triển khai kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch gắn với phương án hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại địa phương (đến tận xã, phường, tổ dân phố) các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được yêu cầu chủ động xây dựng và tổ chức và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá thường xuyên.
Tại các cơ sở giáo dục đào tạo, công tác phòng, chống dịch được yêu cầu thực hiện nghiêm túc, khoa học, an toàn, hiệu quả khi học sinh, sinh viên học trực tiếp; căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài.
Nếu dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế sẽ có báo cáo gửi Chính phủ để xem xét việc tiếp tục thực hiện Chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế.