Đề xuất cấp CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi, bổ sung ADN và giọng nói
- Tuệ Minh
- Đăng lúc: Thứ hai, 27/06/2022 11:51 (GMT +7)
Bộ Công an đề xuất thêm nhiều quy định mới tại Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng luật căn cước công dân (CCCD) sửa đổi
Đề xuất cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi
Tại Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng luật căn cước công dân (CCCD) sửa đổi, Bộ Công an đang lấy ý kiến đề xuất cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi. Dự thảo đề nghị bổ sung quy định cấp thẻ CCCD cho công dân là trẻ em dưới 14 tuổi hiện nay có khoảng 20 triệu người.
Đối với trẻ em mới sinh, việc thực hiện cấp CCCD được thực hiện đồng thời trong thủ tục liên thông khi đăng ký khai sinh. Ngoài ra dự thảo cũng đề nghị cấp giấy chứng nhận CCCD cho người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định lâu dài tại Việt Nam để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của họ. Điều này nhằm phục vụ công tác nhà nước phát huy giá trị tiện ích của thẻ CCCD trong hoạt động của chính phủ số, xã hội số.
Theo Bộ Công an việc cấp CCCD cho công dân dưới 14 tuổi là phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan. Hiện nay trên thế giới cũng đã có nhiều nước quy định tương tự về vấn đề CCCD người dưới 14 tuổi như Thái Lan, Malaysia, Đức, Argentina, Bỉ, Bồ Đào Nha…
Bổ sung dữ liệu ADN và giọng nói và thẻ căn cước
Hiện nay đề án 06 của Thủ tướng về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi trong nguồn dữ liệu về CCCD chỉ bao gồm một số thông tin như: họ, tên, năm sinh… Việc giới hạn dữ liệu phần nào gây khó khăn khi thực hiện đề án 06.
Do đó, Bộ Công an đề xuất bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Số CMND cũ, người giám hộ, người được giám hộ, thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam…
Tích hợp thêm nhiều thông tin khác vào thẻ căn cước
Cũng trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin khác của công dân vào thẻ căn cước. Ngoài căn cước, công dân còn có thẻ BHYT, sổ BHXH, giấy phép lái xe, thẻ cán bộ, công chức, thẻ học sinh, văn bằng, chứng chỉ... Việc tích hợp các thông tin này vào 1 chiếc thẻ căn cước có thể giúp công dân dễ bảo quản hơn đồng thời khi thực hiện các dịch vụ công cũng dễ dàng và thuận tiện hơn.
(Nguồn: Báo Pháp Luật)