Đi xe ngồi vị trí nào ít bị say xe?

Các triệu chứng của chứng say xe thường kết thúc khi những chuyển động là nguyên nhân gây ra chúng chấm dứt.

TS.BS Lê Văn Tuấn - chuyên khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho hay say tàu xe là chứng bệnh nhiều người gặp, gây nhiều mệt mỏi, phiền toái nhất là khi bạn phải đi xa.

Và nguyên nhân là do bộ phận nhạy cảm giữ thăng bằng trong tai lúc này đã bị kích thích khác thường, từ đó khiến não xuất hiện hiện tượng bị nhầm lẫn, báo hiệu cơ thể trúng độc, do vậy sẽ sản xuất ra một phản ứng chống lại trạng thái ngộ độc, gây ra hiện tượng nôn ói.

Đi xe ngồi vị trí nào ít bị say xe? - Ảnh minh họa

Và bạn dễ say xe hơn khi đói bụng hoặc ăn quá no, do đó, nếu là người dễ say xe thì bạn cần ăn nhẹ trước chuyến đi. Đồng thời phải tìm chỗ ngồi thoáng mát, tốt nhất nên chọn ghế trước hoặc ở khoảng giữa hay những chỗ ngồi cố định, ít bị rung lắc, tránh các chuyển động xóc, nảy, không ngồi phía cuối, chỗ bánh xe.

Đồng thời nếu là người say xe thì bạn không bắt chuyện với những du khách khác trong suốt chuyến đi.

Bên cạnh đó, khi đi xe bạn không nên nhìn ngang sang hai bên mà nhìn thẳng về phía trước. Bạn cần tập trung sự chú ý của mình vào những điểm bất động đằng xa, cố gắng ngủ trên xe để quên cảm giác say.

Theo thạc sĩ, lương y Vũ Quốc Trung, muốn ngừa say xe hiệu quả thì trước khi khởi hành khoảng 30 phút, bạn nên dùng một khúc gừng tươi, gọt bỏ vỏ, rửa sạch, giã nát hoặc nhai nát rồi uống với một cốc nước ấm.

Đồng thời trong suốt hành trình, thỉnh thoảng, bạn nên ngậm một lát gừng và tránh sử dụng đồ uống có gas và một số chất kích thích đầy hơi như đồ nếp, đậu tương, thực phẩm giàu chất béo, nặng mùi vì chúng sẽ khiến bạn khó chịu ở cổ và buồn nôn.

Bài liên quan

News feed