Chính sách rẻ hơn hoàn tiền của sàn TMĐT: Không phải cứ rẻ hơn là được hoàn
- Thu Trần
- Đăng lúc: Thứ năm, 12/11/2020 23:25 (GMT +7)
"Rẻ hơn hoàn tiền" tạo cho khách hàng cảm giác họ đang mua sản phẩm với giá rẻ nhất. Tuy nhiên điều kiện để được hoàn tiền không dễ chút nào.
"Ở đâu rẻ hơn hoàn tiền" - Có hoàn thật nhưng không phải cứ rẻ hơn là được hoàn
Mới đây, trong bài chia sẻ của anh Tuấn Trần - một nhân viên văn phòng về việc mua hàng trên các trang thương mại điện tử nhân "ngày hội sale" đã lý giải cho người dùng phần nào hiểu hơn về chiêu trò "ở đâu rẻ hơn" hoàn tiền của các trang mua bán online.
Theo đó, anh Tuấn đặt mua một chiếc loa Marshall Stockwell 2 trên sàn thương mại điện tử Shoppe, với giá 3.894.000 nghìn đồng cùng nhãn "Ở đâu rẻ hơn, Shopee hoàn tiền".
Khi đọc được dòng chữ trên, anh Tuấn cứ nghĩ là mình đã mua được chiếc loa với gái rẻ nhất thị trường rồi, nếu không dại gì sàn TMĐT kia cam kết ở đâu rẻ hơn sẽ hoàn tiền.
Tuy nhiên, hân hoan chưa được bao lâu thì anh Tuấn nhận được tin vài tuần trước, cùng trên Shopee, một người bạn của mình từng mua chiếc loa trên chỉ với giá 3.800.000 nghìn đồng
Sau khi nhận được thông tin trên, anh Tuấn kiểm tra lại chính sách của Shopee. Lúc này anh mới nhận ra đằng sau chương trình "Ở đâu rẻ hơn, Shopee hoàn tiền" hay tên gọi đầy đủ là chương trình “Rẻ vô địch, ở đâu rẻ hơn, Shopee hoàn tiền" phức tạp hơn rất nhiều so với suy nghĩ ban đầu của anh.
Theo chính sách của chương trình, khách hàng mua các sản phẩm nằm trong chương trình này, nếu đối tìm thấy sản phẩm tương tự có giá thấp hơn giá đã mua trên Shopee thì sàn sẽ hoàn trả gấp đôi phần chênh lệch.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là sản phẩm được áp dụng để so giá phải đến từ top 10 sàn thương mại lớn nhất Việt Nam chứ không phải là từ các nhà cung ứng khác trên shopee. Thế nên, dù mua đắt hơn bạn mình 94 ngàn đồng, nhưng khi so với các sàn thương mại khác, giá sản phẩm anh Tuấn mua trên Shopee vẫn là rẻ nhất. Tuy vậy, trên Shopee vẫn còn những nhà cung ứng rẻ hơn. Điều đó có nghĩa là anh Tuấn không được hoàn tiền.
Bên cạnh đó, giả sử anh Tuấn tìm được sản TMĐT khác bán sản phẩm rẻ hơn thì số tiền anh được chương trình hoàn thực chất chỉ là gấp đôi mức giá chênh lệch chứ không phải trả lại toàn bộ. Ví dụ, nếu một sàn thương mại điện tử khác bán chiếc loa trên với giá 3,8 triệu đồng, anh Tuấn chỉ được hoàn trả 188.000 đồng.
Sau khi tìm được thông tin, khách hàng cần gửi một số thông tin như tên tài khoản, mã đơn hàng, ảnh chụp sản phẩm kèm logo chương trình trên website và đường link của sản phẩm có giá thấp hơn qua email hỗ trợ của Shopee để được hoàn tiền.
Bên cạnh Shopee, Tiki cũng là sàn áp dụng chương trình tương tự. Tuy vậy, điều kiện của Tiki có phần khó hơn bởi sản phẩm được so sánh phải được bán chính hãng. Chính sách này nhắm vào các gian hàng được chính hãng như Shopee Mall, LazMall... những nơi không có mức giá cạnh tranh như các gian hàng tư nhân.
Ngoài ra cả hai sàn thương mại đều không áp dụng hoàn tiền mặt. Thay vào đó, Tiki sẽ quy đổi ra xu (đơn vị có thể quy đổi ra tiền của sàn). Trong khi đó sàn thương mại Shopee sẽ đổi các mã giảm giá tương đương số tiền đền bù cho người dùng.
Đáng chú ý là số tiền hoàn trả cho người dùng trên cả hai sàn không được vượt quá 500.000 đồng. Mỗi người dùng không được hoàn quá 3 đơn/ ngày.
Không thể phủ nhận sự tiện lợi của các sàn TMĐT ngày nay. Quả thực nếu biết săn khuyến mại, nắm được chính sách bạn sẽ mua được rất nhiều món hàng tốt, tuy nhiên để không rơi vào hoàn cảnh như anh Tuấn, bạncần đọc mọi điều khoản thật kĩ càng cũng như hiểu rõ chính sách của bên bán.
Hiện, bài chia sẻ của anh Tuấn như "khai sáng" cho rất nhiều người tiêu dùng thường xuyên mua hàng trên các sàn thương mại điện tử.