Halloween là ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa và những điều bạn chưa biết về Halloween
- Huyền Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ tư, 27/10/2021 17:23 (GMT +7)
Có bao giờ bạn từng thắc mắc rằng tại sao trong ngày Halloween, mọi người lại hóa trang thành những nhân vật rùng rợn không? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Nội dung chính
1. Halloween là ngày nào?
Halloween (All Hallows’ Evening) - tức là đêm trước ngày lễ của các thánh, thường được tổ chức vào ngày 31/10 hàng năm. Lễ hội được bắt đầu từ khung giờ chiều tối cho đến nửa đêm. Theo đó, đây là dịp những người theo Thiên Chúa Giáo tưởng nhớ những người đã chết, bao gồm các vị thánh, các vị tử đạo và các tín hữu trung kiên đã qua đời. Tuy nhiên, ngày nay, Halloween không chỉ là lễ hội tôn giáo mà còn là lễ hội hóa trang phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới.
2. Nguồn gốc của ngày lễ Halloween
Lễ hội Halloween bắt nguồn từ dân tộc Celt. Đây là dân tộc đã có từ 2000 năm trước trên vùng đất bao giờ là Anh quốc, Ireland và miền bắc nước Pháp. Những người Celtic thường đón năm mới vào ngày 1/11 dương lịch. Vào đêm trước đó (tức ngày 31/10 dương lịch), họ tổ chức lễ hội để tôn vinh người thủ lĩnh quá cố là Samhain và tin rằng, linh hồn người chết có thể trở về trần gian vào đêm hôm đó. Dần dần, lễ hội Halloween hình thành và đến năm 1800 đã trở thành tục lệ được nhiều người hưởng ứng.
3. Ý nghĩa của ngày lễ Halloween
Truyền thuyết của người dân Ireland kể về một thiếu niên có tên là Jack. Anh ta vốn là người tham lam, keo kiệt, bủn xỉn và chẳng bao giờ bố thí cho ai bất cứ thứ gì. Thậm chí, anh ta còn trêu đùa thoải mái với cả ma quỷ. Người ta cho rằng, Jack đã lừa một con quỷ trèo lên một ngọn cây. Sau đó, nhân lúc nó không chú ý mà khắc chữ thập lên gốc cây để "nhốt" nó nhằm bắt nó không được trêu chọc mình nữa.
Cuối cùng, khi Jack qua đời do một tai nạn thì anh ta cũng chẳng được lên thiên đường và cũng không được xuống địa ngục. Hơi ấm duy nhất sưởi ấm cho Jack trong đêm lạnh giá là ngọn nến leo lét thắp trong quả bí ngô mà anh ta cầm theo bên mình.
Mặc dù Jack chỉ là nhân vật tưởng tượng nhưng lại chứa đựng những sự ẩn dụ hướng đến hiện thân trong cuộc đời. Qua câu chuyện này, ngày lễ Halloween có 2 ý nghĩa muốn gửi gắm. Đó là:
- Thứ nhất, sống không nên keo kiệt, bủn xỉn, tham lam quá đà mà nên từ bi, bác ái, giúp đỡ những người gặp khó khăn.
- Thứ hai, không nên trêu đùa với ma quỷ, tức là không làm những trò đe dọa, lừa lọc có thể khiến người khác sợ hãi.
4. Vì sao ngày lễ Halloween người ta thường hóa trang thành những nhân vật đáng sợ, rùng rợn?
Halloween thường được tổ chức từ buổi chiều tối và kéo dài cho đến nửa đêm. Trong thời gian này, mọi người sẽ hóa trang thành những nhân vật đáng sợ và rùng rợn như: ma cà rồng, xác ướp, hồn ma... Sau đó, họ tới từng nhà gõ cửa, nhận kẹo và chúc tụng. Tuy nhiên, bạn có biết tại sao lại có tập tục như vậy không?
Chuyện kể rằng, ngày 31/10 hàng năm là ngày người chết quay trở lại dương gian để tìm kiếm cơ thể mới và có thể bắt đầu cuộc sống trong năm tiếp theo. Người Celtic cũng tin rằng, đây là ngày âm dương giao hòa và kẻ chết - người sống có thể tiếp xúc với nhau.
Tất nhiên, người sống thì không muốn cơ thể của mình bị các linh hồn "cướp" mất. Do đó, trong ngày này, người ta thường dập tắt lửa để khiến ngôi nhà lạnh lẽo và mặc những trang phục rùng rợn, diễu hành khắp xóm nhằm mục đích xua đuổi các linh hồn đang tìm kiếm thân xác người sống để nhập vào.
5. Các phong tục trong ngày lễ Halloween
- Đốt lửa:
Người ta đốt lửa với hi vọng mặt trời sẽ luôn chiếu sáng giúp mùa màng bội thu cũng như giúp con người tránh xa linh hồn quỷ dữ.
- Trang trí lồng đèn:
Tập tục này bắt nguồn từ những người Ireland. Họ thường khắc khuôn mặt ma quỷ lên củ cải, khoai tây nhằm xua đuổi những linh hồn trong đêm 31/10. Tuy nhiên, khi lễ hội Halloween du nhập vào Mỹ thì họ đã sử dụng bí ngô để khắc mặt quỷ. Dần dần, lồng đèn bí ngô đã trở thành một nét đặc trưng của lễ hội Halloween trên khắp thế giới.
- Hóa trang:
Đây là một trong những phong tục không thể thiếu trong ngày Halloween. Trước đây, mọi người thường mặc những trang phục rùng rợn, đáng sợ. Tuy nhiên, ngày nay, Halloween còn được xem như lễ hội hóa trang. Vì vậy, người ta có thể mặc những trang phục tùy thích như: nhân vật hoạt hình, nàng tiên cá, nàng Bạch Tuyết...
- Trick or Treat (Cho kẹo hay bị ghẹo):
Sau khi hóa trang, trẻ em phương Tây thường đi gõ cửa từng nhà và nói câu "Trick or Treat". Sau đó, chủ nhà thường cho chúng kẹo hoặc tiền xu.
- Lấy táo:
Đây là nghi lễ lấy may trong đêm Halloween. Người ta có thể gọt vỏ táo, lấy táo trong nước... càng lấy nhiều hoặc gọt vỏ càng dài thì càng sống lâu cũng như gặp nhiều may mắn.
- Phục vụ những món ăn đặc trưng:
Một số món ăn đặc trưng trong dịp lễ Halloween bao gồm bánh linh hồn (bánh quy tròn có nho khô), khoai tây nghiền (gồm khoai tây, bơ, cải xoăn, sữa), súp bí đỏ, kẹo táo, Barnbrack...
Trên đây là những thông tin chi tiết về Halloween là ngày nào, nguồn gốc và ý nghĩa của Halloween. Chúc các bạn có một mùa Halloween ấm áp và vui vẻ bên gia đình, người thân và bạn bè!