Jouhatsu: Xu hướng tự "bốc hơi" của người Nhật Bản
- Trúc Mai
- Đăng lúc: Thứ hai, 14/09/2020 16:55 (GMT +7)
Đối diện với những áp lực trong cuộc sống, nhiều người Nhật Bán đã chọn cách "biến mất", tạo ra một trào lưu có tên "Jouhatsu".
Đứng trước áp lực của đời sống thường nhật như: tình cảm, công việc, tài chính..., những "Jouhatsu" sẽ chọn cách từ bỏ công việc, gia đình, bạn bè để "biến mất" khỏi cuộc sống.
Jouhatsu là một xu hướng?
Ở xứ sở Phù Tang, bên cạnh vẻ đẹp dịu dàng của những cánh hoa anh đào thì trong cuộc sống đời thường, nhiều người vẫn gánh chịu những nỗi lo toan và áp lực nặng nề. Một trào lưu sống mới đã nảy sinh từ những căng thẳng này, đó là 'bốc hơi' mà không để lại bất cứ dấu vết nào cho gia đình, người yêu hay bạn bè.
Những người này được gọi là "Jouhatsu". Nguyên nhân chính yếu khiến một người trở thành Jouhatsu là áp lực từ nhiều phía như: nợ nần tài chính, hôn nhân không hạnh phúc, mất việc làm... Chúng khiến họ trở nên suy sụp và chỉ còn biết lẩn tránh với mong muốn được bắt đầu lại một cuộc hành trình mới mà không vướng bận điều gì.
Night-moving: Dịch vụ chuyển nhà vào ban đêm
Nhật Bản là quốc gia luôn đặt quyền riêng tư của người dân lên hàng đầu, thế nên, đối với bất cứ yêu cầu hoặc nguyện vọng nào đều sẽ có dịch vụ hỗ trợ, ngay cả ước muốn được biến mất. Dịch vụ này có tên là "night-moving", tạm dịch là "chuyển nhà vào ban đêm". Ban đêm là thời điểm thuận lợi để giúp khách hàng "bốc hơi" một cách dễ dàng mà không để lại dấu vết nào.
Theo nhà sáng lập của một công ty chuyển nhà vào ban đêm - Sho Hatori: "Thông thường, nhiều người tạm biệt cuộc sống hiện tại để bắt đầu một chặng mới trong đời như lên đại học, nhận việc mới hay kết hôn. Tuy nhiên, không ít trường hợp mong muốn 'biến mất' vì những tổn thương trong quá khứ như bỏ học, mất việc hay bị kẻ xấu đeo bám".
Cuộc sống thứ hai của những Jouhatsu
Cũng như lý do trên, người Nhật rất tôn trọng quyền tự do, riêng tư cá nhân thế nên việc "bốc hơi" của những người được cho là mất tích, nếu không thuộc diện 'vụ án' cụ thể thì cảnh sát sẽ không can thiệp hoặc giải quyết. Trong thời gian này, Jouhatsu vẫn có thể rút tiền tại các cây ATM mà không bị truy vết, gia đình cũng không có quyền xem camera để biết về tung tích của họ.
Theo Hiroki Nakamori - nhà xã hội học nghiên cứu về xu hướng Jouhatsu cho biết, thuật ngữ này đã xuất hiện từ những năm 60. Vì tỉ lệ ly hôn ở Nhật Bản cực thấp do những khó khăn trong quá trình pháp lý nên nhiều người đã chủ động rời bỏ bạn tình của mình bằng cách mất tích một cách bí ẩn, và đây chính là khởi nguồn của Jouhatsu.
Những Jouhatsu không hoàn toàn là những người trốn chạy thực tế, xoay lưng với áp lực. Nhiều người chỉ vì muốn tránh khỏi tổn thương, muốn có một cuộc sống hoàn toàn mới. Như Sainta - người điều hành công ty chuyển nhà vào ban đêm tâm sự, cô đã "bốc hơi" suốt 17 năm để tránh khỏi sự bạo hành của bạn trai. Cô nói rằng cô từng gặp nhiều người chạy trốn và muốn thử nghiệm cảm giác biến mất. Cô không đánh giá hay xen vào việc của họ mà chỉ cung cấp dịch vụ họ mong muốn.
Liệu một Jouhatsu có hoàn toàn hạnh phúc?
Trở thành một Jouhatsu đó là sự trải nghiệm được đánh đổi bởi rất nhiều thứ, trong đó có mối quan hệ xung quanh như gia đình và bạn bè. Khi một người biến mất, những người ở lại sẽ sống trong chuỗi ngày đau khổ và buồn bã. Họ mất đi chồng/vợ, cha/mẹ hay con của mình, đó là nỗi đau rất khó xoa dịu.
Còn đối với người ra đi, họ từ giã gia đình một cách chóng vánh, vứt bỏ mọi thứ để tìm cuộc sống mới nhưng đâu đó những nỗi ân hận, cảm giác buồn bã trong quá khứ vẫn ám ảnh họ. Đối với con người, gia đình chính là một tế bào của cơ thể, rất khó để tách rời, thế nên việc lựa chọn biến mất khỏi họ có lẽ sẽ là điều khiến nhiều Jouhatsu luôn day dứt và ám ảnh tội lỗi.