Bánh hỏi ăn cùng với gì? Ở Bình Định, không gì khác ngoài cháo lòng
- Phú Quý
- Đăng lúc: Thứ bảy, 11/09/2021 20:13 (GMT +7)
Bánh hỏi cháo lòng là một trong những món đặc sản nổi tiếng mà bạn không thể bỏ qua khi đến thăm đất võ Bình Định.
Nếu như nhiều địa phương khác thường ăn bánh hỏi cùng với thịt heo quay, chạo tôm, thịt ram, thịt nướng… thì người Bình Đình lại có món bánh hỏi cháo lòng lạ miệng, lạ tai. Thậm chí nhiều khách đến đây du lịch đã nói, nếu đến Bình Định mà chưa thưởng thức qua món bánh hỏi cháo lòng thì lòng chưa muốn về.
Bánh hỏi là một món ăn phổ biến tại Bình Định, người ta thường ăn bánh hỏi vào buổi sáng hoặc buổi trưa. Nguyên liệu chính để làm bánh hỏi là bột gạo, đặc biệt để làm được những đĩa bánh “đạt chuẩn”, người ta thường sử dụng gạo tấm thơm loại cũ để bánh ngon hơn. Gạo sau khi ngâm qua đêm cho mềm sẽ được đem xay thành bột. Phần bột nước sau khi cho vào túi vải khô thì đem hấp chín, nhồi và chia thành từng “vặn” nhỏ.
Tiếp đó, người làm bánh sẽ dùng một khuôn ép hình trụ và bằng nhôm với phần đáy được đục nhiều lỗ nhỏ. Những “vặn” bột sau khi được bỏ vào khuôn sẽ theo các lỗi nhỏ đổ ra tại thành sợi bánh. Có thể nói những lỗ nhỏ phần đáy ống có vai trò quan trọng trong chất lượng của bánh hỏi. Nếu lỗ nhỏ quá thì bột sẽ không qua được, nhưng nếu lỗ quá lớn thì sợi bánh khi đổ ra cũng lớn, ăn không còn ngon.
Những sợi bánh sau khi được trải đều trên các tấm nan tre chữ nhật thì được đem đi hấp chín. Để bánh có vị béo ngậy, người ta thường thoa đều một lớp dầu phụng trên mặt bánh rồi rắc lên chút lá hẹ. Những chiếc bánh hỏi được đem ra mời khách thường có màu trắng nõn, vị béo ngậy và thơm mùi đặc trưng của lá hẹ.
Bên cạnh thịt heo thái miếng, người Bình Định còn ăn bánh hỏi cùng với lòng luộc và cháo lòng. Khi chuẩn bị món ăn, người đầu bếp thường chọn bộ lòng của con heo mới mổ để nguyên liệu tươi ngon nhất. Thường phần lòng heo sẽ gồm có tim, gan, cật, lòng non… sau khi sơ chế sạch sẽ thì đem đi luộc cho chín và thái ra đĩa.
Cháo lòng ăn kèm bánh hỏi ở Bình Định cũng khá đặc biệt so với nhiều nơi. Cháo ở đây được nấu lỏng, khi chín sẽ có màu trắng đục của gạo hoặc vàng nhạt của nghệ chứ không có màu đậm và đặc quánh như khi có thêm tiết. Khi chín, cháo được bỏ thêm hành lá thái nhỏ và một vài cọng lá hẹ cho thêm phần đẹp mắt.
Mặc dù đã có đủ bánh hỏi và cháo lòng, thế nhưng để món ăn đậm đà và khiến người ăn phải “nhung nhớ” mãi thì người đầu bếp phải có bí quyết pha nước mắm chấm kèm thật đặc biệt. Dù chỉ là một bát nước mắm mặn, pha thêm vài nguyên liệu đơn giản nhưng vẫn giúp món ăn thơm ngon tròn vị hơn.
Chỉ cần đến Bình Định, ghé vào một quán bánh hỏi cháo lòng, húp một miếng cháo nóng hổi, ăn kèm một miếng lòng ngầy ngậy và chấm miếng bánh hỏi vào nước mắm cay cay thì còn gì bằng.
Một số địa chỉ bánh hỏi cháo lòng ngon ở Bình Định
Bánh hỏi cháo lòng Hồng Thanh – 22 Phan Bội Châu, Lê Lợi, Qui Nhơn, Bình Định
Bánh hỏi lòng heo cô Năm – 41 Nguyễn Chánh, Qui Nhơn, Bình Định
Bánh hỏi lòng heo Diên Hồng – 20 Diên Hồng, Qui Nhơn, Bình Định