Làm sao để gìn giữ một hôn nhân hạnh phúc?
- Hà My
- Đăng lúc: Thứ bảy, 01/05/2021 22:16 (GMT +7)
Nhiều người nói, hôn nhân chính là mồ chôn của tình yêu. Nhưng có phải thực sự tất cả mọi cuộc sống hôn nhân đều có chung một số phận như vậy?
Ông bà ngoại tôi sống với nhau đến nay đã hơn 60 năm. Điều khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ và nể phục đó là sự quan tâm, thông cảm, thấu hiểu từ những việc dù là nhỏ nhất của ông dành cho bà chưa từng phai mờ qua từng đấy năm.
Có đợt về quê thăm ông bà, tôi đã hỏi ngoại tôi thế này: "Sao hai ngoại yêu nhau và sống với nhau lâu thế nhỉ? Con thấy ngày nay, mười cặp thì đến 5,6 cặp ở với nhau được vài năm rồi ly thân, ly hôn. Chán lắm!". Ngoại tôi cười rồi ôn tồn: "Cuộc sống, suy nghĩ và cả sự thay đổi về thế hệ khiến hôn nhân trở nên như thế đấy con ạ!"
"Ngày xưa, ông bà lấy nhau là do cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Thời đó còn nghèo lắm! Cơm mong có đủ để ăn qua bữa là may mắn lắm rồi. Đàn bà khi đó tam tòng, tứ đức, làm gì có ai dám bỏ chồng. Nhưng ông ngoại con là người sống có trách nhiệm với gia đình, vợ con. Ông bà lấy nhau về, bắt đầu mới hiểu nhau hơn, thương và yêu nhau hơn."
Tôi gật gù. Có lần về quê, thấy ông dốc ngược tuýp đánh răng xuống, tôi thắc mắc thì ông trả lời "Dốc xuống thế cho ngoại con đỡ phải bóp". Rồi có lần, khi ngoại đang tắm, tôi thấy ông bẻ đôi hai viên thuốc và đặt một ly nước trên mặt bàn, tưởng ông uống nhưng hóa ra ông bảo "Để đó, tí ngoại con ra còn nhớ mà uống không lại quên."
Mọi công việc trong nhà ông bà chẳng cần phân chia nhưng lại luôn giúp đỡ nhau dù là từng việc nhỏ nhất. Nếu bà nấu cơm, sẽ có ông rửa chén. Nếu bà quét nhà, sẽ có ông lau nhà. Ông không bao giờ để bà phải làm bất cứ việc gì một mình. Lúc nào bên cạnh bà cũng có ông. Ngần ấy năm rồi chưa bao giờ thay đổi.
Tôi nghĩ, cuộc sống hôn nhân có lâu bền được hay không đều phụ thuộc vào thành quả từ chuỗi ngày cùng nhau cố gắng gánh vác và vun đắp hạnh phúc. Con cái lớn hết, rồi cũng tung cánh bay đến những chân trời mới. Cuối cùng cũng chỉ còn lại là hai mảnh đời cùng ghép lại để chăm sóc cho nhau đến cuối đời.
Có lần bà bảo với tôi: “Người rồi sẽ về với cát bụi, sáu mươi năm sống trên đời cũng làm gần hết việc cần làm, sống bên một người như ông con thì cũng đủ hạnh phúc rồi.”
Nhìn cuộc sống hôn nhân của những người thuộc thế hệ ông bà, bố mẹ, tôi nhìn thấy sự chung thủy, sự gắn bó và sự cố gắng để vun vén hạnh phúc. Trong hôn nhân, đến một lúc nào đó, tình yêu sẽ cạn, lời yêu thương sẽ vơi, thay vào đó là sự ràng buộc và cả những trách nhiệm gia đình nặng nề.
Việc của chúng ta là phải giữ lửa, phải hâm nóng và đặc biệt là phải dành sự thấu hiểu cho đối phương. Không ai hiểu người đó bằng mình và cũng chẳng ai thương người ấy hơn mình. Đôi khi đừng bì tị hơn thua quá, cứ chân thành trước đã, tốt hết mình trước đã rồi tính. Nếu đã cố hết sức vẫn không được thì mới là lẽ khác. Nhân sinh quá đỗi ngắn ngủi, chớp mắt một cái đã đi quá nửa một đời người. Việc chọn và hòa hợp với người sống ở cạnh mình là điều thực sự rất quan trọng.
Mỗi người hãy nhịn nhau một chút thì mọi chuyện sẽ êm đềm. Vì khi bước vào lễ đường ai trong chúng ta cũng mong muốn đây là người mà mình sẽ chung sống cả một đời. Mong rằng những ngày tháng sau này, tôi và bạn cũng có thể tìm được một người trân trọng mình như vậy.