Lo ngại xuất hiện biến thể Omicron 'tàng hình' ở TP.HCM, triệu chứng ra sao?
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ tư, 23/02/2022 13:47 (GMT +7)
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chiều 22/2 đã đưa ra nhận định, khả năng Omicron hiện đang là biến thể áp đảo tại TP.HCM, thay thế cho biến thể Delta.
1. Omicron tàng hình là gì?
Omicron tàng hình là dòng phụ mới của Omicron và được các nhà khoa học đặt tên chính thức là “BA.2”. Vào ngày 18/2, CNN dẫn nghiên cứu mới của chuyên gia Kei Sato (Nhật Bản) có nêu, không nên xem BA.2 - Omicron tàng hình là một nhánh của Omicron. Nguyên nhân chuyên gia này đưa ra đó là so với biến thể ban đầu thì BA.2 không chỉ lây lan nhanh hơn mà còn có khả năng gây bệnh nặng đồng thời còn có khả năng làm giảm hiệu quả một số vắc xin phòng Covid-19 mà hiện thế giới đang sử dụng.
Liên quan đến biến thể mới này, các nhà virus học trên thế giới cũng cho biết, Omicron tàng hình là chủng về sau, so với BA.1, chủng mới này khác ở số lượng đột biến, khả năng tránh né hệ miễn dịch và cả độc lực. Chính vì vậy, các nhà khoa học cho rằng, cần tiến hành tìm hiểu về Omicron tàng hình một cách độc lập với BA.1.
Ngoài ra, do BA.2 khác với chủng đầu về các đặc điểm di truyền, do đó việc xác định nó qua việc xét nghiệm PCR trở nên khó khăn hơn. Cũng vì vậy mà chủng BA.2 được 1 số nhà khoa học đặt tên là “Omicron tàng hình”.
2. Người mắc Omicron tàng hình có triệu chứng gì?
Theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), khi mắc chủng Omicron tàng hình - BA.2, thông thường bệnh nhân sẽ có triệu chứng tương tự như biến thể tiền nhiệm BA.1.
Cụ thể, như hướng dẫn mới nhất thì biểu hiện của chủng mới này như sau: Bệnh nhân bị chảy nước mũi, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, ho liên tục, thở gấp hoặc khó thở, đau nhức cơ, mất vị giác, buồn nôn, viêm họng hoặc tiêu chảy.
Do đó nếu xuất hiện các triệu chứng này cần báo ngay với cơ sở y tế địa phương để được xét nghiệm Covid-19.
2. Lo ngại BA.2 xuất hiện ở TP.HCM
Tại hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM diễn ra vào chiều 22/2, ông Tăng Chí Thượng Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra khả năng Omicron đang là biến thể áp đảo tại TP.HCM, thay thế Delta. Ông cũng nhận định rằng trên địa bàn TP nguy cơ biến thế BA.2 đã tồn tại trên địa bàn, nhưng cần những nghiên cứu, đánh giá sâu hơn.
Liên quan đến vấn đề này Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại hội nghị cũng đã yêu cầu nhóm nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu phối hợp cùng Sở Y tế để sớm chuẩn bị kịch bản trong trường hợp biến thể mới này xuất hiện. Trong đó thành phố cần đưa ra biện pháp cụ thể cũng như dự tính cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Về tình hình dịch Covid-19, người đứng đầu Đảng bộ thành phố đánh giá hiện nay trên cả nước đang ghi nhận số F0 tăng và TP.HCM cũng tương tự. Tuy nhiên, thời gian gần đây số ca bệnh nặng và tử vong đang duy trì mức thấp và vẫn đang giảm.
Nhưng hiện TP đang đối mặt diễn biến mới khi số ca nhiễm của trẻ em nhất là nhóm trẻ trong độ tuổi đi học, tăng cao. Chính vì vậy, ông Nên yêu cầu các cấp chính quyền và người dân không chủ quan cũng như không lúng túng trong công tác phòng, chữa bệnh.
Để ứng phó với những dấu hiệu mới của dịch Covid-19, ông Nên yêu cầu thành phố cần lên danh sách cũng như chuẩn bị kỹ để triển khai tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn.
Đồng thời yêu cầu Sở Y tế đưa trẻ em vào chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao, vì theo ông đây chính là đối tượng chưa thể bảo vệ mình, việc thực hiện biện pháp 5K cũng chưa khả thi. Chưa kể nguồn lây cho các em có thể là người giám hộ trực tiếp hoặc giáo viên.