Bộ Y tế chỉ ra 5 biện pháp tránh ngộ độc botulinum
- Lệ Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ năm, 10/09/2020 17:21 (GMT +7)
Ngộ độc botulinum có thể hạn chế được nếu người dân chú ý những biện pháp phòng chống mà Bộ Y tế đã đưa ra.
Theo Bộ Y tế ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường do ăn uống phải các thực phẩm nhiễm chủng vi khuẩn Clostridium. Người bị ngộ độc thường sẽ khởi phát bệnh sau 12 - 36 giờ ăn.
Triệu chứng ngộ độc botulinum
Người bị ngộ độc botulinum thường có những biểu hiện như: nôn, buồn nôn, liệt đối xứng hai bên bắt đầu từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống chân, sụp mí, nhìn đôi, nhìn mờ, nói khó, liệt vùng ngực bụng, liệt hai chân, phản xạ gân xương giảm song vẫn tỉnh táo.
Với những trường hợp nặng có thể dẫn tới liệt cơ hô hấp, suy hô hấp có thể tử vong. Liệt nặng nề kéo dài dẫn theo nhiều biến chứng. Chỉ với một liều 0,09 mcg tiêm tĩnh mạch cũng đã có thể gây tử vong cho một người 70kg.
Thịt hộp là loại thực phẩm điển hình gây ngộ độc độc tố botulinum, do đó vi khuẩn gây bệnh còn được gọi là vi khuẩn độc thịt. Bên cạnh đó các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản... được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín cùng với môi trường bảo quản không đạt yêu cầu cũng có thể sinh ra độc tố gây ngộ độc.
Xu hướng ngộ độc ngày càng tăng do nhiều người sử dụng túi hút khí chứa thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín thức ăn. Các sản phẩm được đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo cũng tiềm ẩn nguy cơ cao.
Biện pháp phòng chống
Để phòng chống ngộ độc do botulinum, Bộ Y tế đưa ra các hướng dẫn sau:
1. Chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn được kiểm định.
2. Thận trọng với các sản phẩm đóng kín nhưng có mùi, màu sắc thay đổi.
3. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và trữ lại trong thời gian dài trong điều kiện không phải đông đá.
4. Cần ưu tiên sử dụng các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Nếu không may trong thực phẩm có chứa botulinum thì nấu chín sẽ là phương pháp giúp loại bỏ độc tố này.
5. Với các thực phẩm như dưa, măng, cà muối... và các thực phẩm lên men khác, việc đóng gói và che đậy theo cách truyền thống cần đảm bảo thực phẩm còn chua, mặn. Khi đã hết chua, mặn thì không nên sử dụng.