Mối quan hệ "khó ngờ" giữa hai vị vua "không đội trời chung" trong lịch sử Việt Nam
- Alex
- Đăng lúc: Thứ năm, 01/07/2021 11:18 (GMT +7)
Hai nhân vật được nhắc đến chính là vị vua đầu tiên của nhà Tây Sơn: Nguyễn Huệ (Quang Trung Hoàng Đế) và vị vua khai sinh triều Nguyễn: Nguyễn Ánh (Gia Long).
Hai vị hoàng đế nhiều duyên nợ này có mối oán thù gia tộc và cá nhân sâu sắc, đến mức có thể coi là "không đội trời chung". Vào thế kỷ 16 - 17, các chúa Nguyễn (tổ tiên của Nguyễn Ánh) có công rất lớn khi cho khai hoang dần về phía Nam đến tận Cà Mau ngày nay, giúp định hình nên đất nước Việt Nam như hiện tại.
Song đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát thì gian thần lộng hành, dân chúng lầm than đói khổ. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lãnh đạo từ đất Bình Định đã được người dân khắp nơi hưởng ứng, đi theo. Cuối cùng đến năm 1777, quân Tây Sơn chiếm được Gia Định và đã giết chết hầu hết hoàng tộc anh em của Nguyễn Phúc Ánh (hay Nguyễn Ánh), người khi ấy mới 15 tuổi và gần như là vị hoàng tộc nhà Nguyễn duy nhất sống sót mà chạy thoát được.
Từ đấy, Nguyễn Ánh phải trốn chạy khắp nơi, có lúc phải sang tận Xiêm La (Thái Lan) rồi Lào, Campuchia để tránh sự truy sát của quân Tây Sơn. Cuối cùng sau 25 năm ròng rã, Nguyễn Ánh đã thành công tiêu diệt nhà Tây Sơn để lập nên triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam: Triều Nguyễn. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng Đế, chọn Phú Xuân làm Kinh Đô, đặt niên hiệu là Gia Long và đã tiến hành các cuộc thanh trừng tàn khốc nhà Tây Sơn để trả thù năm xưa.
Tóm lược lịch sử tranh đấu nhiều máu và nước mắt của hai nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn để thấy, giữa hoàng đế Quang Trung (Nguyễn Huệ) và hoàng đế Gia Long (Nguyễn Ánh) luôn là mối thù diệt tộc, chiếm nhà cướp quyền vô cùng khốc liệt. Nhưng ít ai biết, nếu tính theo gia phả và mối quan hệ gia đình thông thường của người Việt Nam, thì hai kẻ tử thù này lại có quan hệ gần gũi đầy bất ngờ.
Trong lịch sử, bản thân các mối quan hệ trong các gia tộc phong kiến thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã là rất lằng ngoằng và "vô lý" nếu xét theo tiêu chuẩn thời hiện đại. Nói về nhà Tây Sơn, thì khi Nguyễn Huệ mới ra Bắc, vua Lê Hiển Tông (khi ấy triều Lê còn chưa bị phế) có hai cô công chúa tài sắc vẹn toàn là Ngọc Hân công chúa và Ngọc Bình công chúa. Năm 1786, Nguyễn Huệ đã kết hôn với công chúa Ngọc Hân lúc bà 16 tuổi.
Năm 1795, Công chúa Ngọc Hân làm mối cho em mình là công chúa Ngọc Bình lấy con của vua Quang Trung là Quang Toản (người sau này kế vị khi vua Quang Trung mất). Như vậy, Quang Trung xét ra vừa là anh rể lại vừa là bố chồng của công chúa Ngọc Bình. Đồng thời ông cũng lại vừa là bố, vừa là anh em với con mình là Quang Toản, đấy là chưa tính công chúa Ngọc Hân vừa là mẹ kế lại vừa là chị vợ của Quang Toản, quả là lằng nhằng.
Tiếp theo là phần của Nguyễn Ánh, năm 1802, sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn và lên ngôi Hoàng Đế. Thấy công chúa Ngọc Bình xinh đẹp quá, Nguyễn Ánh đã lấy luôn về làm phi bất chấp lời khuyên can của các vị đại thần. Chính vì thế dân gian đã có câu ca dao:
"Số đâu mà số lạ lùng
Con vua mà lấy hai chồng làm vua".
Chính là nói về số phận của công chúa Ngọc Bình, bởi bà là con vua Lê Hiển Tông, lấy vua nhà Tây Sơn là Quang Toản rồi lại làm vợ lẽ vua Gia Long - Nguyễn Ánh. Xét theo quan hệ gia đình, thì Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh là chồng của hai chị em ruột là Ngọc Hân - Ngọc Bình nên hai kẻ tử thù này chính là anh em cột chèo với nhau. Trong đó Nguyễn Huệ là anh, Nguyễn Ánh là em.
Tất nhiên, khi đặt trong bối cảnh lịch sử và những tập tục thời phong kiến thì những quy chuẩn mà chúng ta cho là đúng hoặc sai ở thời nay không hẳn phù hợp và chính xác. Tất cả đều là những cột mốc sự kiện xoay quanh dòng chảy của lịch sử mà nếu soi xét vào, lại thấy có muôn vàn điều thú vị.