Nghỉ lễ 30/4 không chỉ tắc ô tô xe máy đâu, còn cả tắc máy bay nữa !
- Alex
- Đăng lúc: Thứ ba, 04/05/2021 17:02 (GMT +7)
Kỷ lục về thời gian "tắc đường" hàng không trong dịp lễ 30/4 vừa qua thuộc về Vietjet, chặng từ Quảng Nam tới TP.HCM với thời gian là gần 1 tiếng đồng hồ.
Lượng khách hàng sử dụng dịch vụ hàng không để đi du lịch, nghỉ lễ trong dịp 30/4 và 1/5 tăng rất mạnh. Điều đó dẫn đến việc hầu hết các hãng bay đều phải tăng cường chuyến, bổ sung thêm giờ bay. Các hãng hàng không khẳng định, đó là việc bất khả kháng bởi nếu để máy bay "tắc nghẽn" khi hạ cánh sẽ khiến họ tốn chi phí và kéo theo việc trễ chuyến dây chuyền vì máy bay đến muộn.
Những pha "kẹt tàu bay" chưa từng có lên tới cả tiếng đồng hồ
Ghi nhận tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sau khi tạm thời phân bổ lại được tình hình ùn tắc ở khâu soi chiếu an ninh thì nhiều hành khách lại vừa phải đối mặt với một vấn đề "đau đầu nhức óc" mới. Đó là dính phải những chuyến bay kéo dài, cá biệt có chuyến bị gấp đôi về thời gian bay so với thông thường.
Cụ thể, trên chuyến bay của hãng Vietjet, số hiệu VJ375 từ Quảng Nam đến TP.HCM đã chứng kiến thời gian bay "xưa nay hiếm" khi mà thời gian đã bị kéo dài gấp đôi so với bình thường. Theo thông tin từ trạm không lưu thì chuyến bay này từ Quảng Nam đến gần TP.HCM thì nhận tín hiệu chưa có đường băng để đáp nên đành vòng ra biển, xuống tận TP. Cần Thơ rồi lại bay ngược về TP.HCM.
Kết quả là thời gian chặng bay thông thường là khoảng 1 tiếng 10 phút, dự kiến đáp ở Tân Sơn Nhất lúc 21h40. Song tới tận 22h48 máy bay mới hạ cánh xuống đường băng. Tức là mất tổng thời gian 2 giờ 15 phút, quá mất thêm hơn 1 tiếng.
Ngoài chuyến bay kể trên thì ngày 1/5 cũng có một chuyến từ Đà Lạt đi TP.HCM mất tới gần 2 tiếng mới được hạ cánh. Tức là thay vì 55 phút như dự kiến thì hành khách được "khuyến mãi" thêm 1 tiếng trên trời nữa. Hay như chuyến VN217 từ Hà Nội đến TP.HCM có thời gian bay kéo dài đến 2 tiếng 43 phút, trong khi bình thường chỉ mất khoảng 2 tiếng.
Không chỉ Vietjet mà tình trạng "kẹt đường băng" còn xảy ra với nhiều hãng bay khác. Cao điểm ở khung giờ "hot", có tới hàng chục máy bay xếp hàng trên bầu trời chờ hạ cánh ở Tân Sơn Nhất vì nghẽn đường băng.
Theo tính toán thì với trọng lượng trung bình khoảng 70 tấn cho tàu bay A321, bay vòng chờ chỉ khoảng 5 phút ở độ cao khoảng 500m so với độ cao sân bay, đã phải tiêu thụ khoảng 250 - 300 kg dầu. Như vậy nếu chậm tới 60 phút thì lượng dầu tiêu thụ tới hơn 1 tấn dầu, hết sức lãng phí. Chưa kể, nếu một chuyến phải vòng chờ quá lâu trên trời sẽ làm chậm giờ của chuyến tiếp theo, hành khách sẽ phải nhận thông báo chẳng mấy vui vẻ là: "trễ chuyến vì máy bay về muộn, mong quý khách thông cảm".
Tình trạng quá tải xảy ra không phải mới đây
Theo ông Nguyễn Quý Đôn - phó giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam - thì tình trạng máy bay nối đuôi nhau xếp hàng ở trên trời vào dịp lễ 30/4 để chờ hạ cánh là có và không phải mới xảy ra.
Lý do được lãnh đạo này đưa ra là do tần suất khai thác cao, máy bay dồn về cùng một thời gian nhưng năng lực thông quan có giới hạn của hệ thống đường băng cho việc hạ cánh, cất cánh dẫn tới việc kiểm soát viên không lưu phải kéo dài thời gian bay trong vùng trời tiếp cận sân bay chờ "đường thông hè thoáng".
Ông Đôn cũng trấn an rằng, hành khách không nên lo lắng, đây không phải sự cố mà được kiểm soát hoàn toàn, các chuyến bay được xếp thành một luồng nối đuôi một cách trật tự, có hệ số an toàn cao. Dù đông hay ít, khoảng cách giữa 2 máy bay phải được tuân thủ nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn.
Ngoài ra, ông Đôn cũng cho biết, thời tiết cũng là yếu tố ảnh hưởng tới việc hạ cánh của máy bay, như trong dịp lễ vừa qua, có thời điểm hàng loạt máy bay phải thay đổi đầu đường băng và thay đổi phương thức hạ cánh ở Tân Sơn Nhất do ảnh hưởng của luồng gió, dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian bay chờ.
Tắc đường, tắc luôn cả chỗ đỗ máy bay
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, hiện sân bay này có 82 vị trí đỗ, trong đó có 2 vị trí đỗ sử dụng cho trường hợp khẩn nguy còn lại là 80 vị trí đỗ thường xuyên sử dụng cho khai thác thương mại.
Theo giải thích của dại diện sân bay này,do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các chuyến bay quốc tế không khai thác nên số lượng máy bay của các hãng nội địa thường xuyên đỗ vượt quá số lượng quy định. Vừa qua, sân bay Tân Sơn Nhất đã đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận bổ sung thêm 14 vị trí đỗ cho máy bay.
Vào dịp lễ vừa qua, khung giờ hạ cánh ở Tân Sơn Nhất từ 6h đến 23h55 đạt 44 chuyến/giờ, từ 0h đến 5h55 đạt 32 chuyến/giờ. Cao điểm vào ngày 30/4, sân bay Tân Sơn Nhất đón 744 chuyến/ngày, tăng 25% so với ngày thường. Sản lượng khách 96.000 - 102.000 lượt khách/ngày, tăng 18% so với ngày thường.