Nguồn gốc và ý nghĩa của tục đốt pháo ngày Tết
- ThanhPham
- Đăng lúc: Thứ năm, 24/12/2020 23:13 (GMT +7)
Việc đốt pháo vào dịp Tết ở Việt Nam đã bị nghiêm cấm nhưng ký ức về tiếng pháo nổ giòn tan vẫn còn âm vang trong trí nhớ bao thế hệ.
Những loại pháo đầu tiên bắt nguồn ở Trung Quốc và đã có lịch sử hơn 2000 năm. Ban đầu là làm từ thân cây trúc nên được gọi là “bộc trúc”, khi đốt lên có tiếng nổ lẹt đẹt, đùng đoàng. Vào khoảnh khắc đầu tiên của ngày mùng 1 tháng Giêng Âm lịch, khi gà vừa gáy lần đầu người dân sẽ dậy đốt bộc trúc để xua đuổi yêu ma quỷ quái, không cho chúng làm phiền trong năm mới.
Sau khi người Trung Quốc phát minh ra thuốc nổ, người ta cho vào trong ống lưu huỳnh, than củi… để đốt. Tới thời Nam Bắc triều, đốt pháo mừng năm mới bắt đầu trở thành tập tục và truyền sang nhiều nước lân cận trong đó có Việt Nam đến tận ngày nay.
Truyền thuyết giải thích vì sao lại đốt pháo vào ngày Tết kể rằng, vào thời viễn cổ tại Trung Quốc, xuất hiện loại quái vật tên là “Niang” hay còn gọi là Niên (Năm). Hàng năm, cứ vào thời khắc giao thừa là Niang phá phách nhà cửa, ăn thịt người lẫn vật. Dân chúng vì thế cứ đến giao thừa là lại phải chạy vào hang núi mà trốn. Đêm giao thừa một năm nọ, có ông lão ăn xin đến một ngôi làng nghèo và xin được ngủ lại ngôi nhà của một bà lão tốt bụng. Vào giữa đêm, quái vật Niang xuất hiện, khi đến nhà bà lão nọ, nó run rẩy khi nhìn thấy ánh sáng rực rỡ phát ra từ tờ giấy màu đỏ được dán trên cửa. Khi đó, ông lão ăn xin mặc một chiếc áo choàng màu đỏ ra mở cửa, một tiếng nổ đinh tai vang lên khiến quái vật Niang bỏ chạy. Ông lão đã chỉ cho dân chúng rằng, thứ con quái vật sợ chính là màu đỏ, ánh lửa và tiếng động lớn.
Kể từ đó, cứ tới cuối năm cũ đầu năm mới, người ta lại dán câu đối màu đỏ ở cửa, treo đèn lồng đỏ, đốt pháo, đốt củi và thức cả đêm để đuổi con quái vật Niang đi. Đó cũng là nguồn gốc việc cổ nhân đốt pháo trong ngày Tết.
Sau này, việc đốt pháo cũng mang ý nghĩa xua đuổi những điều xui xẻo, không thuận lợi, đón chờ một năm mới bình an và may mắn. Trong ngày Tết, người ta đốt pháo lúc giao thừa và sau đó là suốt ba ngày Tết. Khi đến nhà ai chúc Tết, khi vào cổng, khách cũng có thể đốt một phong pháo để chúc mừng.
Tiếng pháo xuất hiện trong rất nhiều dịp trọng đại của đời sống người dân bởi ý nghĩa to lớn của nó như lễ mừng thọ, mừng thăng quan, mừng sinh con trai, mừng tân gia, khai trương… Người ta cũng đốt pháo khi cử hành lễ gia tiên, và khi có những quan khách sang trọng đến. Thậm chí, người ta còn lấy việc đốt pháo để đoán định việc tương lai. Đầu năm nhà nào đốt pháo không nổ hay phải đốt nhiều lần mới nổ hoặc pháo nổ rời rạc thì dự báo năm đó làm ăn không thuận lợi, gặp nhiều chuyện không như ý, đám cưới, tiệc mừng mà đốt pháo không nổ cũng là một điềm xui.
Pháo từ khi được ra đời đã trải qua nhiều hành trình đến với rất nhiều miền đất trên thế giới. Vào thế kỷ 12, nhà thám hiểm Marco Polo mang pháo nổ từ phương Đông về Ý. Đến thế kỷ 14, người dân ở đây đã phát triển và cải tiến thêm vào nhiều loại màu sắc, cách bắn pháo để làm ra những loại pháo hoa đầu tiên trên thế giới. Ngay lập tức, pháo hoa đã có mặt ở hầu hết các nước châu Âu và mê hoặc mọi người dân lẫn giới quý tộc. Kể từ đó, trong bất cứ dịp trọng đại nào của các nước, đều không thể thiếu đi vẻ đẹp rực rỡ và âm thanh rộn rã của tiếng pháo trên bầu trời.