Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát sau Covid-19
- Thu Trần
- Đăng lúc: Thứ năm, 17/12/2020 09:03 (GMT +7)
Các chuyên gia y tế nhận định Covid-19 làm gián đoạn tiêm chủng, khiến các dịch bệnh khác như bạch hầu, ho gà, sởi... có nguy cơ bùng thành dịch lớn.
Vào sáng hôm qua 16/12, tại tọa đàm Tầm quan trọng của việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong bối cảnh Covid-19 do Hội Bác sĩ Gia đình TP.HCM tổ chức, bác sĩ Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng viện Pasteur TP.HCM cho biết, đã một năm kể từ khi ca nhiễm nCoV đầu tiên trên thế giới được phát hiện. Dịch bệnh đã để lại những ảnh hưởng nặng nề về mọi mặt cho đời sống xã hội.
Đặc biệt, bác sĩ Hữu nói: "Covid-19 khiến thành quả tiêm chủng bị đe dọa".
Lý giải về điều này, bác sĩ Hữu cho biết vì phần lớn nguồn lực xã hội, nhà nước đều dồn cho phòng chống Covid-19, nên nguồn lực cho tiêm chủng bị hạn chế. Cùng với đó, việc trì hoãn tiêm chủng phần lớn còn xuất phát từ phụ huynh. Vì lo ngại nhiễm Covid-19 khi đến cơ sở y tế, nên họ đã không đưa con đi tiêm chủng đúng lịch.
Ngoài ra, rất nhiều người vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm vaccine để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Do đó, tỷ lệ tiêm chủng năm nay giảm khoảng 10% so với năm ngoái, có nguy cơ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến hệ thống y tế.
Bác sĩ Hữu nhấn mạnh, sự gián đoạn của các chương trình tiêm chủng do nCoV, ngay cả trong thời gian ngắn, đang là vấn đề y tế đáng báo động. Bởi nó chính là nguyên nhân làm gia tăng số người mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, và làm tăng nguy cơ bùng phát thành các làn sóng dịch bệnh trong cộng đồng, tạo nên gánh nặng kép bên cạnh Covid-19.
"Không nên vì vòng xoáy đại dịch mà quên tiêm vaccine phòng ngừa các bệnh khác, đặc biệt đối với trẻ em", bác sĩ khuyến cáo.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn của Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho hay, bạch hầu, ho gà và sởi đã xuất hiện rải rác cùng với Covid-19.
Theo thống kê, từ đầu năm đến ngày 22/11, cả nước ghi nhận 198 ca bạch hầu, tăng gấp 9-15 lần so với giai đoạn từ năm 2014 đến 2018, gấp gần 4 lần so với năm 2019. Trong đó, 75% ở trẻ dưới 14 tuổi mắc bệnh và vùng dịch thuộc khu vực miền núi như Tây Nguyên, Quảng Ngãi... Đã có 4 trẻ đã tử vong.
Riêng số ca ho gà ở Việt Nam tăng mạnh trong 6 năm qua, từ 90 ca năm 2014 lên đến 1.013 ca năm 2019. Trẻ dưới hai tháng tuổi, chưa đủ tuổi để tiêm vaccine phòng ngừa là "mồi ngon" của ho gà. Nguồn lây chính xuất phát từ người trong gia đình, nhất là anh chị ruột của bé, lây trong môi trường lớp học.
Năm nay, tuy số ca ho gà ghi nhận giảm hơn, do thời gian giãn cách xã hội dài, trẻ không đến trường, nhưng khi trẻ quay lại trường, số ca và nguy cơ lại tăng lên. Để bảo vệ giai đoạn đầu đời non nớt của trẻ, thì việc tiêm vaccine ho gà nhắc lại cho anh chị của bé là hết sức cần thiết.
Cảnh báo của Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), ít nhất 80 triệu trẻ em dưới một tuổi, ở 68 quốc gia, đang có nguy cơ mắc bạch hầu, sởi và bại liệt... Nguyên do là các chương trình tiêm chủng đang bị gián đoạn vì Covid-19.
Nhiều năm qua, nhờ có vaccine, nhiều bệnh truyền nhiễm đã bị xóa sổ. Bác sĩ Hữu chia sẻ, năm 1980, thế giới đã xóa sổ hoàn toàn được bệnh đậu mùa nhờ chương trình tiêm chủng toàn cầu. Miễn dịch cộng đồng được thiết lập thành công. Đến nay, thế hệ trẻ không còn ai phải mang vết sẹo lớn trên vai vì tiêm vaccine đậu mùa nữa.