Những căn bệnh nguy hiểm "ẩn mình" sau hiện tượng chảy máu cam
- Thu Trần
- Đăng lúc: Thứ sáu, 18/12/2020 14:44 (GMT +7)
Rất nhiều người nghĩ rằng hiện tượng chảy máu cam là rất bình thường, tuy nhiên nó có thể do những nguyên nhân bệnh lý nguy hiểm.
Hiện tượng chảy máu cam không quá xa lạ đối với nhiều người. Bởi nó rất thường xuyên xảy ra, và hầu hết mọi người đều rất xem nhẹ vấn đề này. Tuy nhiên, theo nhiều cảnh báo của các bác sĩ thì chảy máu cam xuất phát từ nhiều nguyên nhân bệnh lý nghiêm trọng.
Đầu tiên phải kể đến là nguyên nhân ngoại khoa. Cụ thể, hiện tượng chảy máu cam thường xuất hiện do những vết thương do ngoáy mũi, tai nạn xe cộ, lệch vách ngăn mũi.
Ngoài ra, viêm xoang cấp và mãn tính, viêm xoang do nấm, viêm mũi dị ứng, giang mai cũng là nguyên nhân gây chảy máu cam. Đặc biệt, các khối u lành tính và ác tính ở khoang mũi, xoang và vòm họng, u lành tính như u nhú, u sợi mạch vòm họng hoặc u ác tính như ung thư biểu mô vòm họng cũng gây ra hiện tượng chảy máu cam.
Kế đến là những nguyên nhân nội khoa như các bệnh về tim và hệ tuần hoàn (như tăng huyết áp, suy tim…), rối loạn đông máu, rối loạn dinh dưỡng hoặc thiếu vitamin.
Nếu mắc các bệnh mãn tính về gan và thận, bị nhễm độc mãn tính, hoặc do thiếu vitamin C, K, P và các nguyên tố vi lượng khác, và rối loạn nội tiết cũng gây ra hiện tượng chảy máu cam mà rất nhiều người lại xem nhẹ.
Để ngăn ngừa hiện tượng chảy máu cam, bạn nên ăn nhiều trái cây và rau quả. Đối với bệnh nhân tăng huyết áp cần uống thuốc hạ huyết áp, tránh ngoáy mũi, dụi mũi quá mạnh, sử dụng máy tạo đổ ẩm khi trời hanh khô. Đồng thời tránh những va đập mạnh vào mũi.
Nếu bị chảy máu cam, không nên hoảng sợ, mà trước tiên bạn hãy cầm máu đúng cách, sau đó kiểm tra nguyên nhân rồi mới điều trị. Nếu chảy máu ít, bạn có thể tự cầm máu bằng những cách đơn giản sau:
- Hãy thư giãn và không căng thẳng để không gây co mạch và chảy máu nhiều hơn.
- Ngửa đầu về phía trước (đừng ngửa ra sau) để ngăn máu chảy vào miệng
- Dùng ngón tay cái và ngón trỏ bóp chặt hai cánh mũi 10-15 phút để cầm máu. Không nên nhét khăn giấy vào hốc mũi làm tổn thương niêm mạc mũi.
- Chườm túi đá hoặc khăn lạnh lên trán và hai bên cổ để co mạch máu và giảm chảy máu.
Lưu ý, nếu thấy máu mũi ra nhiều hoặc thường xuyên cần đến bệnh viện để cấp cứu và khám để biết rõ nguyên nhân là gì, tránh bỏ qua mà gây ra những hậu quả nghiêm trọng.