Những món ăn hấp dẫn nên thử khi đến Sa Pa săn băng tuyết

Nếu đến Sa Pa vào một ngày mưa lạnh, bạn có thể thưởng thức những món ăn nóng hổi như lẩu cá tầm, gà nướng tiêu xanh… để xua đi cái lạnh nhé.

Hashtag: Du lịch Sa Pa

Sa Pa là một điểm đến có nhiều cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và những món ăn lạ mắt, lạ miệng như thắng cố, cá suối, thịt cắp nách, khâu nhục… Khi đến Sa Pa vào những ngày thời tiết se se lạnh hoặc kèm theo những cơn mưa phùn thì bạn có thể thử các món theo danh sách này nhé

Lợn bản nướng đế gang

Nhờ được nuôi thả và cho ăn ngô, khoai, sắn nên lợn bản ở Sa Pa có phần da dày, thịt săn chắc và ngọt chứ không bị mỡ hay ngán. Khi đến Sa Pa, bạn có thể thử món lợn bản bằng nhiều cách chế biến như nướng ống tre, quay cả con… Tuy nhiên một trong những món ngon nhất thường được nhiều người yêu thích khi đến Sa Pa ngày lạnh là lợn bản nướng đế gang.

Thịt lợn bản sau khi được làm sạch và tẩm ướp đậm đà sẽ được đặt lên gang và nướng củng hành, ớt, sả… Khi mang ra bàn ăn, thịt vẫn giữ được độ nóng và bốc khói nghi ngút vô cùng hấp dẫn. Món ăn này thường được chấm cùng nước chấm ớt xanh cay cay.

Hạt dẻ

Khi đến Sa Pa, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những quầy bán hạt dẻ nghi ngút khói và thơm thoang thoảng mùi bơ. Khác với hạt dẻ rừng, hạt dẻ Sa Pa to hơn, trên vỏ có lớp lông tơ mỏng và màu nâu sẫm. Dù được chế biến bằng các cách khác nhau như rang, luộc, nướng… thì hạt dẻ vẫn thơm và có vị ngọt, bùi. Khi rang hạt dẻ, người ta sẽ sử dụng đá đen để hạt dẻ chín đều và không bị cháy vỏ. 

Gà nướng tiêu xanh

Gà được nuôi ở Sa Pa thường có kích cỡ nhỏ, tuy nhiên thịt gà rất ngọt và thơm. Khi kết hợp với tiêu xanh và hành khô băm nhỏ, bạn sẽ có một món ăn hấp dẫn mang đậm hương vị đặc trưng của Sa Pa. Khác với nhiều nơi, trước khi được mang đi nướng giấy bạc, thịt gà sẽ được mang đi nấu qua để chín đều từ da đến thịt bên trong. Sau khi được quấn giấy bạc và nướng, da gà sẽ có màu vàng óng đẹp mắt, thịt bên trong ngọt thơm và đậm đà vị nước sốt.

Lẩu cá tầm

Nhờ có khí hậu quanh năm mát mẻ và nguồn nước từ khe núi, người dân ở Sa Pa đã nuôi được cá tầm và biến loại cá này thành sặc sản ở đây. Cá tầm Sa Pa có màu hồng nhạt, khi chế biến thịt cá khá chắc, không bị bở như nhiều loại cá đông lạnh nhập khẩu khác.

Ảnh: Gia Thị Linh.

Cá tầm khi được đem đi làm lẩu sẽ dùng với nước lẩu cay xen lẫn với vị chua dịu từ dứa và cà chua. Để ăn kèm lẩu cá tầm thì người ta sẽ phục vụ thêm nhiều loại rau tươi ngon của Sa Pa như su su, cải mèo, cải xoong, mùng tơi… Với thời tiết mưa lạnh mà được ngồi bên một nồi lẩu cá tầm nghi ngút khói như vậy thì còn gì bằng.

 

Bài liên quan

News feed