Những quy định mới về tiền lương có lợi cho NLĐ
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ sáu, 01/04/2022 20:31 (GMT +7)
Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định nhiều mức phạt mới đối với các vi phạm liên quan đến tiền lương, giúp quyền lợi của NLĐ được đảm bảo hơn.
Theo đó, vào ngày 17/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Trong quy định này đã ban hành nhiều mức phạt mới đối với các vi phạm liên quan đến tiền lương đối với người sử dụng lao động (doanh nghiệp). Với mục đích hạn chế tình trạng doanh nghiệp vi phạm, từ đó giúp quyền lợi của người lao động được đảm bảo hơn.
Những quy định mới liên quan đến tiền lương bao gồm:
Doanh nghiệp phải trả cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động nếu cho NLĐ thôi việc
>>> Xem thêm: Không tiêm trộn vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, 3 nhóm cần trì hoãn, 1 nhóm chống chỉ định
Theo đó, nếu doanh nghiệp cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế mà không trao đổi trước cho người lao động hoặc không thông báo trước 30 ngày cho UBND cấp tỉnh (theo điểm c khoản 4 Điều 12) thì sẽ phải trả cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động hoặc tổ chức đại diện.
Như quy định trước đây, đối với trường hợp trên doanh nghiệp chỉ bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng mà không phải trả tiền cho người lao động.
Doanh nghiệp bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng nếu không công khai bảng lương
Theo điểm a khoản 1 Điều 17 của Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định, nếu doanh nghiệp không công khai thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế thưởng tại nơi làm việc trước khi thực hiện, doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng.
Trước đây trường hợp này chỉ bị phạt từ 02 - 05 triệu đồng
Doanh nghiệp bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng nếu không xây dựng bảng lương
Điểm b khoản 1 Điều 17 của Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định, nếu doanh nghiệp không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng. Như vậy mức phạt này đã tăng, vì trước đây trường hợp này doanh nghiệp chỉ bị phạt từ 02 - 05 triệu đồng.
Doanh nghiệp bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng nếu không thông báo bảng kê trả lương
Theo điểm d khoản 1 Điều 17 của Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định, nếu doanh nghiệp không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng quy định, doanh nghiệp bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng. Trước đây hành vi này không có quy định xử phạt.
Quy định này được bổ sung nhằm phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 95 của Bộ luật Lao động 2019, trong đó yêu cầu doanh nghiệp mỗi lần trả lương phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó có ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có) để NLĐ nắm rõ.
Doanh nghiệp bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng nếu trả lương không bình đẳng cho NLĐ
Tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy địn, trường hợp doanh nghiệp không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng. Trước đây hành vi này không quy định xử phạt.
Quy định này được đưa ra nhằm yêu cầu các doanh nghiệp phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Doanh nghiệp không cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng nghỉ 60 phút mỗi ngày sẽ bị phạt tiền và phải trả thêm tiền cho NLĐ
Tại điểm b khoản 3 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định, nếu lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà không được doanh nghiệp cho nghỉ 60 phút mỗi ngày (trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác), thì ngoài bị xử phạt tiền, doanh nghiệp sẽ phải trả tiền lương cho NLĐ nữ tương ứng với thời gian mà người lao động không được nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Trước đây đối với hành vi này, doanh nghiệp chỉ bị phạt tiền mà không phải trả thêm tiền cho NLĐ nữ.
Những điểm mới trên đây của Nghị định 12/2022/NĐ-CP cho thấy, sự công khai minh bạch về tiền lương để người lao động chủ động theo dõi bảo vệ quyền lợi của mình; đồng thời các mức phạt cũng tăng nhiều so với trước nhằm hạn chế vi phạm của doanh nghiệp.