Phía sau sự hào nhoáng của thời trang là những bãi rác khổng lồ
- Lu Ân
- Đăng lúc: Thứ tư, 30/06/2021 16:06 (GMT +7)
Nhiều món đồ thời trang với công đoạn hoàn thành phức tạp, toả sáng trên các sàn diễn nhưng lại kết thúc cuộc đời mình tại bãi phế thãi phía sau thành phố.
Thời trang và môi trường luôn là hai vấn đề khiến nhiều nhà chức trách phải đau đầu. Không thể phủ định sự lớn mạnh và tầm quan trọng của thời trang trong cuộc sống, khi đây là một trong những ngành công nghiệp tạo ra lợi nhuận khủng trên thế giới. Nhưng với tốc độ tăng trưởng mạnh của thời trang, môi trường lại trở thành nạn nhân tiêu biểu.
Giữa thời trang và môi trường luôn liên hệ với nhau bằng một ẩn số tỷ lệ nghịch: Cứ một bên tăng thì bên còn lại sẽ giảm sút. Điều mà con người có thể làm để giữ 2 thái cực này tồn tại song song chính là tạo ra sự cân bằng. Các nhà mốt bắt đầu quan tâm hơn đến tính bền vững và đạo đức đối với việc sản xuất các mặt hàng may mặc. Họ phối hợp với các nhà khoa học, tổ chức phi lợi nhuận để tạo ra những mặt hàng có giá trị sử dụng cao và đặc biệt là không tổn hại đến môi trường. Trước khi tất cả những giải pháp này được tìm đến, bạn có thắc mắc vòng đời của một chiếc quần jeans hay một chiếc áo sơ mi là bao lâu trước khi chúng "phi thẳng" ra bãi rác?
Quần jeans - món đồ thời trang được thấy nhiều ở các bãi rác
Một ví dụ điển hình về chiếc quần thường xuyên xuất hiện ở bãi rác - quần jeans.
Mỗi năm có hơn 1,25 tỷ chiếc quần jeans được bán ra. Trung bình mỗi người phụ nữ Mỹ sở hữu 7 chiếc quần jeans trong tủ quần áo từ skinny jeans, loose jeans, high waist jeans, flair jeans... Cớ sao họ lại sở hữu nhiều chiếc quần có cùng chất liệu và độc tôn một sắc xanh như vậy?
Quay trở lại với thời trang, một người là tín đồ của quần áo không thể bỏ qua xu hướng. Mỗi năm có hàng trăm xu hướng mới xuất hiện, đôi khi chỉ là những chi tiết nhỏ được cải tiến trên một chiếc quần jeans basic cũng khiến người ta phát điên và săn lùng chúng. Đến khi sở hữu được thì chỉ mặc vỏn vẹn vài lần rồi cất tủ. Giá trị sử dụng của một chiếc quần jeans vài nghìn đô chỉ đúng 3-4 lần rồi trở thành phế thãi.
Tồn tại trong tủ quần áo qua nhiều năm liền, rồi con người lại cùng nhau mượn danh nghĩa bảo vệ môi trường và đem đến sự bền vững cho vòng đời của những chiếc quần bằng việc quyên góp cho những tổ chức từ thiện. Nhưng họ đâu biết được số lượng quần áo khổng lồ này ngay cả người được cho cũng không sử dụng hết. Một phần của số quần áo này sẽ được chở thẳng đến bãi rác, để rồi trở thành những núi phế thải khổng lồ.
Sản xuất một chiếc quần jeans đã ảnh hưởng đến môi trường thế nào?
Không chỉ là hình ảnh quần áo thừa thoáng chốc đã bốc cháy thành tro bụi trong những bãi rác lớn, thời trang còn là ngành công nghiệp biến cả thế giới trở thành "bãi rác" thực thụ. Giai đoạn đầu của quy trình sản xuất dệt may chiếm 75% lượng khí thải carbon và là nguồn cơn ảnh hưởng lớn nhất đến sự ô nhiễm môi trường. Các chất thải tại các xí nghiệp nhuộm vải xả trực tiếp phẩm màu độc hại của họ xuống các con sông gần đó. Dòng nước này trở thành nguồn nước tưới tiêu cho các nông trại liền kề mà không biết rằng chính con người đang tự hạ độc chính mình.
Điều tệ hại nhất là ngay cả công ty thời trang, những người đưa ra chỉ thị sản xuất các sản phẩm của họ cũng thật sự không biết hết những điều này. Họ không biết một chiếc quần jeans ra đời đã phải sử dụng bao nhiêu chất phân bón hoá học, thuốc trừ sâu để các cây bông đạt tiêu chuẩn thu hoạch; bao nhiêu hoá chất tẩy rửa cực mạnh để nhuộm màu cho chúng. Cái họ quan tâm chỉ là lợi nhuận mà thôi.
Giới trẻ và sứ mệnh bảo vệ môi trường lẫn ngành công nghiệp thời trang
Nếu thật sự muốn cải thiện môi trường và cứu lấy ngành công nghiệp thời trang khỏi sự "tẩy chay" dữ dội, điều đầu tiên, tiên quyết là phải thay đổi thói quen sử dụng quần áo của thế hệ trẻ ngày nay.
Sự thật chúng ta thường thấy ở giới trẻ là việc họ dành rất nhiều thời gian và tiền bạc cho quần áo, đôi khi chỉ để chụp một bức ảnh và post chúng lên mạng xã hội. Sau khoảnh khắc đó, rất có thể, quần áo họ mặc sẽ nhanh chóng trở thành món đồ cũ "không bao giờ được mặc thêm lần nữa" trong tủ quần áo trước khi đi thẳng đến... bãi rác.
Khi bạn đã thật sự hiểu được mối nguy hại tiềm tàng của những việc bạn đã làm thì đây là chính là lúc mà bạn thật sự cần hành động. Hành động không phải bằng sự kêu gọi, biểu tình hay biểu ngữ, mà hãy hành động bằng việc thay đổi chính những thói quen sử dụng quần áo hàng ngày của bạn lẫn thái độ đối xử với quần áo bằng sự trân trọng và tiết kiệm.