Rồi một ngày, cha mẹ cũng sẽ già thế nên đừng tiếc lời yêu thương
- Hà My
- Đăng lúc: Thứ ba, 20/04/2021 22:20 (GMT +7)
Chúng ta - những người con cứ mải mê chạy theo vô vàn khát vọng đời thường. Nhưng rồi lại quên mất rằng, cha mẹ đang dần già yếu đi từng ngày...
Trên đời này, ai là người hy sinh cho ta nhiều nhất? Ai là người chấp nhận bỏ bụng rỗng để dành cho ta những phần ăn ngon nhất? Ai là người chấp nhận mặc những bộ đồ cũ rách, lỗi thời để có tiền mua cho ta những tấm áo mới? Ai là người chắt chiu, gom góp từng đồng bạc nhỏ từ những công việc "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để cho ta chuỗi ngày quý giá trên chiếc ghế nhà trường?
Đó chính là cha mẹ. Và chỉ có cha mẹ mới là người có thể mang đến cho ta những điều đáng trân quý như vậy.
Ngày còn nhỏ, mọi chuyện trong nhà đều do cha mẹ quyết định. Rồi chợt đến một ngày, họ làm gì cũng hỏi ngược lại ý kiến của ta . Chính từ lúc đó, chúng ta biết rằng, cha mẹ đã già.
Nhưng rồi, càng lớn lên, sự quyến luyến, quấn quýt của chúng ta dành cho cha mẹ càng vơi dần đi. Giống như một chú chim đại bàng mới lớn, nó luôn muốn giương đôi cánh của mình để hướng đến không trung rộng lớn, thay vì rúc vào đôi cánh của cha mẹ để tìm sự che chở, bình an.
Vì nhũng khao khát cháy bỏng về một cuộc đời sung túc. Vì những bộn bề, lo toan trong một thế giới tràn ngập những áp lực về công việc, gia đình,... mà chúng ta vô tình bỏ quên đi một khát vọng nằm sâu trong tâm can của mình, đó là mong cha mẹ đừng vội già đi.
Mỗi ngày chúng ta đều đón bình minh bằng những tia nắng ấm áp của mặt trời. Và đó là quy luật của tự nhiên. Nhưng giả sử đến một ngày, mặt trời không còn mọc, và chúng ta cũng chẳng có nhìn thấy ánh sáng nữa thì sao?
Có lẽ, ai trong chúng ta cũng sẽ lo sợ và luống cuống. Cha mẹ cũng giống như mặt trời vậy. Luôn mọc vào mỗi sáng, đem đến ánh sáng, bình yên đến độ, đôi khi ta không nhận ra giá trị và sự trân quý củ những ánh mặt trời. Chỉ đến khi những nhưng ngày mưa xám xịt kéo dài u ám, ta mới thấy nhớ, thấy cần những ánh mặt trời ấm áp biết bao.
Chỉ có điều mặt trời đến một ngày không mọc nữa chỉ là giải thuyết có phần xa vời, còn cha mẹ đến ngày không ở bên ta nữa lại là sự thật. Sự thật rất hiện nhiên.
Dạo gần đây, trong mỗi cuộc trò chuyện qua điện thoại, mẹ tôi hay hỏi "Khi nào thì con về?". Có lẽ, không chỉ mẹ tôi mà tất cả những ông bố bà mẹ khác đều sẽ hỏi câu hỏi đó với những đứa con đang xa nhà của mình. Và tôi tin chắc, câu trả lời khiến cho bất cứ bậc cha mẹ nào cũng rạo rực và hân hoan sẽ là "Ngày mốt con về ạ", "Cuối tuần con về nhé",...
Nhưng mấy ai được như vậy. Vì trưởng thành rồi đi làm, cuộc sống riêng tư đã chiếm trọn lấy hết khoảng thời gian của ta rồi. Cũng chính vì thế, mỗi một ngày trôi qua, chúng ta lại xa gia đình, xa cha mẹ một nhiều hơn.
Chúng ta mong muốn sẽ kiếm được thật nhiều tiền, phấn đấu và nỗ lực hết mình, mong sớm trở thành ông nọ bà kia để đền đáp, báo hiếu công ơn cha mẹ. Nhưng chúng ta lại không dành thời gian để ngẫm lại rằng, liệu cha mẹ có thể đủ sức khỏe để sống và để đợi chúng ta đến tận ngày đó được hay không? Hay chúng ta chưa kịp thành công, chưa kịp đạt được ước vọng thì cha mẹ đã rời xa ta mà ra đi mãi mãi rồi.
Mỗi ngày, tôi đều nhắc nhở bản thân mình rằng, cha mẹ đang ngày một già yếu rồi đó, bản thân mình đã làm được gì cho họ hay chưa? Câu hỏi quá khó để tôi có thể trả lời, cũng không biết phải làm gì để báo đáp cha mẹ, lại càng thật ngượng nghịu để nói ra những lời yêu thương như hồi còn là con nít.
Có lẽ, việc duy nhất mà tôi có thể làm đó chính là về nhà với cha mẹ thường xuyên hơn, quây quần bên mâm cơm và trò chuyện với họ nhiều hơn. Mỗi ngày, dù bận bịu hay về nhà vào lúc đã muộn, cũng tranh thủ nhấc máy gọi điện và hỏi han cha mẹ vài câu "Nay ở nhà bố mẹ ăn gì?", "Thời tiết ở nhà có lạnh lắm không mẹ?, "Bố mẹ nhớ mắc áo ấm và đừng quên mang theo miếng dán giữ nhiệt bên mình nhé!",... Ở thời điểm hiện tại, đó có lẽ là những thứ duy nhất tôi có thể làm để quan tâm và thể hiện tình cảm cho cha mẹ của mình.