"Siêu doanh nghiệp" 500.000 tỷ đã hết hạn góp vốn nhưng vẫn "im thin thít và lặn mất tăm"
- Alex
- Đăng lúc: Thứ tư, 18/08/2021 15:20 (GMT +7)
Hồi tháng 5 thì một vị doanh nhân bí ẩn đã đăng ký mở công ty với vốn điều lệ lên tới hơn 500.000 tỷ, song tới nay đã hết hạn góp vốn mà vẫn "lặn sâu".
Chủ nhân của "siêu doanh nghiệp" đăng ký tại TP.Hồ Chí Minh là Nguyễn Vũ Quốc Anh (35 tuổi). Vị "đại gia ngầm" này từng tuyên bố: "mọi người cứ đợi mà xem, đến hạn mà không thấy tiền vốn góp thì hãy nói này nói nọ...", đồng thời cho rằng, con số mà anh đăng ký vốn là 21,7 tỷ USD (tương ứng 500.000 tỷ đồng) cũng là bình thường chứ không có gì to tát cả.
Vũ Quốc Anh đăng ký "vốn khủng" cho hai công ty là CTCP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) có trụ sở chính tại tầng 46, toà nhà Bitexco Financial Tower với con số 500.000 tỷ đồng và CTCP Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn Cầu (GAB Group) với vốn điều lệ 25.000 tỷ đồng, trụ sở tại tầng 72, toà nhà Landmark 81. Cả hai công ty cùng được thành lập trong ngày 20/5/2021. Theo thông tin đăng ký thì người sẽ góp 99,99% cổ phần vào các công ty đều là Nguyễn Vũ Quốc Anh.
Khi ấy, thông tin này đã làm cư dân mạng và nhiều người "choáng váng" bởi con số quá "khủng". Vượt qua cả những doanh nghiệp lớn nhất hiện nay như Vingroup, Viettel, Vietcombank, FPT,… và thậm chí gấp tới 12 lần số vốn của Vinfast, gấp 2 lần tổng số tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Sau lời tuyên bố đanh thép sẽ góp vốn đầy đủ, đúng hạn. "CEO, nhà sáng lập" Nguyễn Vũ Quốc Anh tiếp tục làm "chao đảo" giới truyền thông và thu hút sự chú ý của công chúng bằng việc thường xuyên đăng tải thông tin tuyển dụng, tổ chức họp báo công bố kế hoạch doanh nghiệp và giới thiệu các dự án mới.
"Doanh nhân" này còn tổ chức livestream trên YouTube cho rằng doanh nghiệp của mình sẽ có vài triệu khách hàng về một lúc, mời gọi các "anh hai, anh ba", tức là các doanh nghiệp lớn góp cho "em út" là công ty của Quốc Anh mỗi người vài tỷ đồng.
Vị CEO "mạnh miệng" này từng tự phán nửa cuối năm 2021, doanh nghiệp của anh sẽ đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng sau đó sẽ tấn công vào các thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ. Anh này cho biết 3 năm nữa tập đoàn của mình sẽ cho ra 100.000 sản phẩm để phân phối, năm 2022 sẽ mang về doanh thu 1 tỷ USD, từ 2023- 2025 mang về 30 tỷ USD.
Tuy nhiên, đến sáng ngày 18/8 tức là hạn cuối để góp vốn theo quy định pháp luật thì doanh nghiệp của Nguyễn Vũ Quốc Anh vẫn chưa hề có động thái gì là sẽ "xuất tiền". Theo đúng quy định thì đại diện Sở KH&ĐT TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi sẽ chờ hết ngày để nhận thông tin góp vốn như hồ sơ đăng ký. Nếu hết ngày mà doanh nghiệp không thực hiện, chúng tôi gửi thông báo cho người đại diện doanh nghiệp để làm nghĩa vụ về điều chỉnh vốn, tất nhiên con số đăng ký là quyền của chủ doanh nghiệp, luật pháp vẫn phải thừa nhận và làm đúng quy trình".
Sở dĩ doanh nghiệp của ông Quốc Anh có thể đăng ký số vốn "trên trời" như vậy là bởi Luật Doanh nghiệp quy định các cổ đông khi đăng ký góp vốn không bắt buộc phải góp vốn ngay, không bắt buộc phải chứng minh có khả năng tài chính để thực hiện việc góp vốn (Nhằm khuyến khích quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp).
Theo luật thì hết thời gian đăng ký mà doanh nghiệp không thực hiện được vốn góp thì sẽ phải giảm vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp. Nếu sau đó vẫn không có động thái góp đủ vốn, doanh nghiệp phải làm thủ tục hủy đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Bước xử phạt chỉ là cuối cùng khi doanh nghiệp, cá nhân, pháp nhân không thực hiện các quyền được pháp luật cho phép. Mức phạt là bằng hình thức nộp tiền với con số từ 10 - 20 triệu đồng.
Đây chính là kẽ hở để thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp đã đăng ký vốn điều lệ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng để "lấy le" mà vẫn ung dung. Hiện tại thì hầu như tất cả những doanh nghiệp như trường hợp của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh nêu trên đều sẽ "lặn không sủi tăm" trước khi xin thay đổi vốn điều lệ.