Cần Thơ: 10 viên sỏi to như san hô trong thận người đàn ông 60 tuổi

Nam bệnh nhân 60 tuổi có sỏi thận trái dạng san hô kéo dài tới 1/3 trên niệu quản trái. Bệnh nhân vừa được phẫu thuật lấy sỏi ra khỏi thận thành công.

Hashtag: Bệnh thường gặp

Ngày 2/11, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân Lê Tấn Tiên (60 tuổi, ở huyện Châu Thành, Đồng Tháp) trong tình trạng đau hông trái và thỉnh thoảng tiểu rắt.

Được biết, bệnh nhân phát hiện bị sỏi san hô 2 bên thận từ 6 năm trước. Ông Tiên cũng từng mổ hở lấy sỏi san hô thận phải nhưng sau một thời gian đã có dấu hiệu tái phát.

Tại bệnh viện, sau quá trình siêu âm ổ bụng, chụp X-quang hệ niệu không chuẩn bị và CT-scan 2 thận, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có rất nhiều sỏi dạng san hô trong thận trái, kéo dài tới 1/3 trên niệu quản trái.

Được biết, những trường hợp như này không thể lấy sỏi qua đường bể thận, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật sỏi san hô thận trái có hạ nhiệt để lấy sạch sỏi, hạn chế chảy máu và bảo tồn chủ mô thận.

Ngày 9/11, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Phước Lộc, Trưởng khoa Ngoại thận tiết niệu, cùng các đồng nghiệp khoa Gây mê hồi sức phối hợp phẫu thuật xẻ đôi mở rộng thận trái của ông Tiên. Các bác sĩ đã dùng đá lạnh Ringer lactat phủ quanh bề mặt nhu mô thận để hạ nhiệt độ xuống 4 độ C, lấy sạch sỏi thận cho bệnh nhân.

Đến trưa ngày 12/11, ông Tiên đã tỉnh táo trở lại, chỉ số sinh tồn ổn, không sốt và dự kiến ra viện vào cuối tuần này.

Theo bác sĩ Lộc chia sẻ sỏi san hô là sỏi phân nhánh lớn lấp đầy một phần bể thận và đài thận. Các viên sỏi lấp đầy từ 2 nhánh đài thận trở lên, có hình trông giống san hô, rất cứng, khó bị bào mòn. Sỏi thận san hô còn được gọi là sỏi struvite hoặc sỏi nhiễm trùng.

Hiện nay, sỏi thận chiếm tỷ lệ lớn nhất khoảng 48% trong nhóm bệnh sỏi tiết niệu và có xu hướng gia tăng. Bệnh sỏi thận ở Việt Nam có đặc điểm riêng, đó là bệnh nhân thường đến viện muộn khi sỏi đã rất to và rất nhiều, sức khỏe đã giảm sút, có nhiều biến chứng nặng nề như nhiễm khuẩn niệu, thận giãn ứ nước, thận hóa mủ, thận xơ teo mất chức năng và suy thận.

Việt Nam nằm trong vùng có tỉ lệ mắc bệnh sỏi tiết niệu cao, gọi là “Vùng sỏi thế giới”, với tỷ lệ mắc sỏi thận lên đến 40%. Bệnh sỏi thận có nguyên nhân từ thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học như uống quá ít nước, chế độ ăn uống quá nhiều oxalate, canxi, dùng lâu dài một số loại thuốc như acetazolamide, thiazide, glucocorticoids, theophyline, vitamin D, vitamin C... Vì thế, các bác sĩ khuyên người dân nên thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, đủ nước và đi thăm khám định kỳ để kịp thời phát hiện các bất thường về sức khỏe.

Bài liên quan

News feed