Thái Nguyên: Suýt mù hai lần sau tiêm filler nâng mũi
- Thanh Le
- Đăng lúc: Thứ năm, 01/10/2020 15:38 (GMT +7)
Bệnh nhân được chẩn đoán tai biến do tiêm filler nâng mũi, tắc mạch gây mù, thiếu máu cấp tính vùng trán mũi và ổ mắt.
Ngày 1/10, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhân tên Phương, 27 tuổi, quê Bắc Giang, bị biến chứng sau phẫu thuật nâng mũi.
Bệnh nhân kể lại, chị biết một spa nhỏ gần Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đang giảm giá dịch vụ tiêm filler (chất làm đầy) mũi, chỉ tốn 1 triệu đồng. Đặc biệt đã có 2 người bạn của Phương đi tiêm và thành công, do đó Phương cùng bạn tới tiêm filler tối 16/9.
Ngay sau khi tiêm được 3 phút, chị có nói với nhân viên thực hiện phẫu thuật về cảm giác đau nhức bất thường nhưng họ trấn an chị mà không dừng thủ thuật. Nước mắt chị Phương chảy nhiều khiến chị phải lấy tay dụi, sau đó chị phát hiện không nhìn thấy gì. Chị Phương được đưa đi cấp cứu ngay trong đêm tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, sau đó chuyển Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chị Phương đã bị biến chứng nặng do tiêm filler, mất thị lực và thiếu máu cấp tính da trán, mũi, ổ mắt.
Nghiêm trọng hơn, tình trạng của chị Phương phải cấp cứu tối khẩn cấp, mời tất cả bác sĩ chuyên khoa có liên quan trong bệnh viện và chuyên gia từ Bệnh viện Mắt Trung ương tới. Các bác sĩ đã phải tiêm trực tiếp thuốc giải vào vùng đã tiêm filler và phần da sắp hoại tử, tiêm vào sau nhãn cầu, điều khiển máy móc nhằm tiêm chính xác vào động mạch mắt nằm sâu trong não.
Sau hơn 1 tiếng đồng hồ cấp cứu thị lực của chị Phương mới có dấu hiệu phục hồi. Song 12 tiếng sau, chị Phương tái mù. Các bác sĩ chia sẻ đây là lần đầu tiên họ gặp tình trạng này.
Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ đã đưa ra phương án dùng thuốc giải filler và thuốc tiêu sợi huyết để cứu đôi mắt của nữ bệnh nhân một lần nữa. Sau 2 tiếng can thiệp điều trị tích cực, mắt phải của chị lại nhìn thấy.
14 ngày sau tai biến, sức khỏe của Phương ổn định hơn, nhưng nữ bệnh nhân vẫn cần theo dõi liên tục và sử dụng thuốc pha loãng máu trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên các bác sĩ thực hiện thông tắc mạch máu mắt tới 2 lần để phục hồi thị lực, còn trên thế giới, tỷ lệ biến chứng mù mắt dao động từ 3-9 ca trong 10.000 ca tiêm, theo thống kê vào năm 2018.