Thông tin mới về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
- Alice Pham
- Đăng lúc: Thứ bảy, 12/02/2022 16:34 (GMT +7)
Mức đóng thấp nhất của bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng.
Vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ra Công văn số 265/LĐTBXH-BHXH gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam để trả lời về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện giai đoạn 2022-2025 theo Công văn số 94/BHXH-TST ngày 13/1/2022 của Bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ý kiến như sau:
Về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo các phương thức đóng 3 tháng - 6 tháng - 12 tháng một lần khi thay đổi mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn.
Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP và Khoản 1, Khoản 2, Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH, thì mức đóng 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 12 tháng một lần bằng mức đóng hàng tháng nhân với 3 đối với phương thức đóng 3 tháng, nhân với 6 đối với phương thức đóng 6 tháng và nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
Trong đó, mức đóng hàng tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng là 22% x 1.500.000 đồng = 330.000 đồng/tháng.
Về việc đóng bù cho số tháng chậm đóng theo quy định tại Khoản 3, Điều 12 Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 12 Nghị định 134/2015/NĐ-CP và Khoản 3, Điều 11 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH, thì mức đóng bù cho số tháng chậm đóng xác định dựa trên mức đóng hàng tháng, mức đóng 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần.
Trong đó, mức đóng hàng tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng là 22% x 1.500.000 đồng = 330.000 đồng/tháng.
Về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, theo quy định tại Khoản 1, Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP và Khoản 1, Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng.
Vì thế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị bảo hiểm xã hội Việt Nam trao đổi với Bộ Tài chính để thống nhất nội dung về hướng dẫn xác định số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ để đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.