5 đặc sản nhất định không nên bỏ lỡ khi đến Gia Lai

Đến Gia Lai, những món ăn mang đậm hương vị núi rừng như gỏi lá, gà nướng cơm lam sẽ khiến thực khách thực sự khó quên.

Hashtag: Đặc sản Việt Nam Ẩm thực đường phố

Gia Lai là mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn, thu hút du khách bởi khung cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ và nét ẩm thực độc đáo, mới lạ. Cùng 2 Đẹp điểm danh 5 món đặc sản Gia Lai nổi tiếng mà bạn nhất định phải thử khi đặt chân đến đây.

Muối kiến vàng

Thoạt đầu, có lẽ nhiều người sẽ sợ hãi, không dám ăn khi nghe loại đặc sản được làm từ… kiến vàng. Nhưng nếu đã nếm thử một lần, bạn sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng, đầy quyến rũ và dễ dàng gây “thương nhớ” cho bất cứ vị khách nào.

Muối kiến và bò một nắng là bộ đôi hoàn hảo trong ẩm thực. Muối kiến vàng có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Loại muối này được làm từ kiến vàng rừng thuộc vùng Krông Pa, Gia Lai. Người ra sẽ bắt những con kiến vàng, rang trên lửa đến khi chín rồi giã nhỏ, thêm muối hột, ớt cay, hành phi và một số loại rau rừng. Vì thế nên loại đặc sản Gia Lai này có hàm lượng dinh dưỡng cao, có nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe và thường được du khách mua về làm quà. 

Gỏi lá rừng

Năm 2013, gỏi lá rừng đã nằm trong top 10 đặc sản Việt Nam mang giá trị ẩm thực châu Á. Du khách khi du lịch Gia Lai đều công nhận hương vị đặc trưng ngon khó cưỡng của món ăn này. 

Gỏi lá rừng, món ăn đậm đà hương vị Tây Nguyên.

Đúng như tên gọi, nhìn vào mâm thức ăn chỉ thấy… toàn lá và lá, ước tính lên đến 30 loại như: hành, húng, tía tô, đinh lăng, sung… Chủ yếu đều là các loại lá thuốc, được đầu bếp lựa chọn cẩn thận để không phản ứng lẫn nhau khi ăn. Gỏi lá rừng thường được dùng kèm thịt ba chỉ luộc thái mỏng, bì lợn luộc, tôm biển Hồ Chè và ăn cùng loại nước chấm làm từ gạo nếp.

Một mâm đầy ắp các loại lá rừng khác nhau.

Rượu cần

Rượu cần thường xuất hiện ở vùng núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên. Theo quan niệm, khi mọi người uống chung một chum rượu sẽ làm khăng khít tình cảm, nâng cao tinh thần đoàn kết. 

Ảnh: @leho.94.

Rượu Gia Lai thường được nấu từ loại nếp nương, dẻo thơm và dài hạt. Khi lên men sẽ có hương thơm thoang thoảng, dịu ngọt pha chút cay nồng. Vì thế nhiều du khách khi ghé thăm phố núi thường lựa chọn rượu cần để đem về làm quà cho người thân và bạn bè.

Rượu cần là một nét văn hóa của Tây Nguyên. Ảnh: @hientran3293.

Bún mắm nêm

Nhắc đến món ăn đặc sản nhưng dân dã của Gia Lai thì chẳng thể nào bỏ qua bún mắm nêm. Vốn là món ăn gốc miền Trung nhưng từ lâu bún mắm nêm đã trở thành món ăn rất quen của phố núi. Món ăn được chế biến khá đơn giản, chỉ gồm một ít bún, mắm nêm, rau sống cùng các loại nhân khác như: thịt luộc, chả nem… Thế mà làm xiêu lòng cả những du khách khó tính nhất, ăn rồi sẽ nhớ mãi vị ngon khó cưỡng ấy.

Bún mắm nêm là đặc sản của Gia Lai.

Muốn món ngon tròn vị, người đầu bếp nhất định phải sử dụng mắm nêm Gia Lai - loại mắm sền sệt, có mùi thơm đặc trưng. Sau đó thêm một vài gia vị như: tỏi, ớt, chanh, đường và dứa bằm để lại dịu vị mặn, tăng vị ngon cho phần mắm. Chan một chút mắm nêm vào tô bún rồi trộn đều, trộn đến đâu thơm lừng đến đó khiến ai cũng phát thèm.

Món ăn này được chế biến rất đơn giản.

 

Cơm lam - gà nướng

Bộ đôi cơm lam - gà nướng là món ăn đặc trưng của mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn. Theo người dân địa phương, món ăn này xuất phát từ dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk. Sau đó được nhiều người dân khu vực Tây Nguyên chế biến với nhiều cách khác nhau, nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là cơm lam - gà nướng ở Gia Lai. 

Ảnh: @_april.ha_.

Gà nướng thường là gà chạy bộ, thịt săn, da mỏng, ăn không ngấy mỡ. Cơm lam cũng phải lựa chọn loại nếp nương, hạt nhỏ và dẻo thơm. Khi thưởng thức, thực khách chỉ cần tách lớp vỏ tre bên ngoài, chấm cơm cùng lạc rang bùi béo. 

Ảnh: @comnieufresh.

 

Nếu có dịp du lịch đến vùng đất đỏ bazan, đừng bỏ lỡ cơ hội để thưởng thức nền ẩm thực dân dã nhưng ngon khó cưỡng của Gia Lai nhé!

Bài liên quan

News feed