Kèm con làm bài tập về nhà, ông bố tát thủng màng nhĩ con

Người bố đã mất kiểm soát và "bạt tai" cậu con trai 10 tuổi của mình chỉ vì cậu bé không tiếp thu được bài học.

Mới đây, Phó trưởng Khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện Nhân dân Hàng Châu - bác sĩ Xu Huiming - đã ghi nhận một ca tổn thương màng nhĩ nặng ở bệnh nhi nam 10 tuổi. Bố mẹ đã đưa bé đến bệnh viện với vẻ mặt nghiêm trọng và lo lắng. Thoạt đầu họ không cung cấp nguyên nhân dẫn đến sự việc này, mà chỉ bảo rằng con của họ bị đau ở tai.

Bác sĩ nghĩ cậu bé đã bị tai nạn giao thông hoặc té ngã nên mới bị tổn thương màng nhĩ. Tuy nhiên, sau khi quan sát kĩ lưỡng, bác sĩ không nhìn thấy bất kỳ vết thương ngoài da nào. Thế nên, ông mới đề nghị bậc phụ huynh cho biết rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến việc đau tai bất thường này. Sau một hồi lâu lưỡng lự, bố mẹ của bé cũng bộc bạch hết sự thật.

Theo đó, ông bố cho hay, cậu bé 10 tuổi được giao bài tập về nhà và ông là người hướng dẫn bé. Tuy nhiên, cậu bé vì nhiều lần mất tập trung, không nghiêm túc nên vị phụ huynh này đã vô cùng tức giận. Do bản thân không kiềm chế được cơn cáu gắt, người bố đã dùng tay bạt mạnh vào má trái của con.

Lúc ấy cậu bé không có bất cứ biểu hiện gì khác thường nhưng ông bố vẫn cảm thấy có lỗi. Sáng hôm sau, bé bỗng nhiên có triệu chứng đau bên tai trái. Vậy là cả hai vị phụ huynh liền tức tốc đưa con đến bệnh viện kiểm tra.

Bác sĩ dùng kĩ thuật soi tai điện và ống soi tai thì phát hiện cậu bé đã bị thủng màng nhĩ với kích thước 0,2x0,4cm. Điều này khiến bé sẽ tạm thời mất thính lực. Trong tháng đầu tiên, cậu bé cần ở bệnh viện để thường xuyên theo dõi, tránh vận động mạnh để hạn chế nhiễm trùng đường hô hấp và tai. Nếu lỗ thủng không khỏi từ 1 - 3 tháng, cậu bé cần phải được phẫu thuật.

Tình trạng lười học ở trẻ em trở nên phổ biến

Không chỉ ở gia đình trên gặp phải trường hợp này, mà nhiều gia đình khác ở Trung Quốc, các ông bố bà mẹ cũng rất đau đầu vì con không tiếp thu bài học. Một bác sĩ khoa Sức khỏe Tâm thần tại bệnh việc Chiết Giang cho hay tình trạng trẻ lười học, thiếu tập trung tại đây đang rất phổ biến. 

Đừng biến việc dạy con học trở thành một cực hình

Các đứa trẻ thường có tâm lý nghĩ rằng việc học là trách nhiệm nặng nề mà bố mẹ bắt chúng phải thực hiện. Đồng thời, thay đổi cảm xúc giữa trường học và nhà dễ khiến trẻ thiếu tập trung, lười biếng. Ở trường, trẻ luôn trong tâm thế học tập, sợ cô giáo chê trách, tranh đua với bạn bè. Thế là về đến nhà chúng sẽ cảm thấy mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi nên khó tiếp thu thêm bài tập.

Bác sĩ cho rằng, để cải thiện tình trạng này của trẻ, quý phụ huynh cần tìm hiểu kĩ nguyên nhân, tình trạng của con mà giải quyết. Đồng thời, bậc làm cha mẹ cũng tránh gây căng thẳng, giận dữ quát mắng vì điều này càng khiến trẻ sợ và tự ti hơn.

Những điều phụ huynh cần lưu ý:

  • Hạn chế sử dụng các thiết bị di động khi dạy con học để tránh việc bé bắt chước theo.
  • Yêu cầu trẻ tự lập kế hoạch cho riêng mình, ví dụ như học xong rồi mới bắt đầu làm việc khác dựa trên thời gian cụ thể. Điều này sẽ trở thành thói quen tốt cho trẻ về sau.
  • Khi trẻ làm bài sai đừng vội sửa lỗi ngay mà hay để trẻ hoàn thành xong sau đó mới can thiệp.
  • Thường xuyên tâm sự, trò chuyện với trẻ bằng những chủ đề trẻ quan tâm, tránh hỏi nhiều về điếm số và thành tích học tập.
  • Tạo cảm giác "thích học" cho con, nói cho chúng nghe những lợi ích của việc học. Từ đó chúng sẽ có thiện cảm hơn đối với việc học.
  • Nên để trẻ nghỉ ngơi sau khoảng thời gian chúng tập trung cao độ, thường xuyên dành lời khen, tán thưởng cho trẻ để chúng có động lực cố gắng.
  • Không nên căng thẳng, cáu gắt khi trẻ có xu hướng mất tập trung để tránh làm trẻ bị thương và ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân mình.

Bài liên quan

News feed