Từ 2021, nhân viên có thể nghỉ việc không báo trước nếu bị sếp xúc phạm
- Kelly Tran
- Đăng lúc: Thứ bảy, 01/05/2021 14:34 (GMT +7)
Người lao động có quyền nghỉ không báo trước nếu chủ sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Cụ thể, theo VOV, nhân viên có quyền nghỉ không báo trước nếu chủ sử dụng lao động có hành vi "động tay động chân" hoặc những hành vi, lời nói nhục mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự. Được biết, đây chính là một trong những nội dung đáng chú ý được đưa ra trong Luật Lao động (sửa đổi 2019), có hiệu lực từ 1/1/2021.
Trước thông tin trên, đa phần mọi người đều tỏ ra vui mừng, liên tục bàn tán rôm rả. Bởi họ cho rằng quy định này đã góp phần bảo vệ người lao động trước những vị sếp thiếu tôn trọng nhân viên. Nhiều người còn vui vẻ tag trực tiếp tài khoản Facebook của sếp vào để nhắc nhở một cách hài hước:
“Này vị sếp yêu quý, sếp nhớ đối xử vui vẻ, rộng lượng với nhân viên nha."
"Sếp đọc kỹ vào nhé, không tụi em tự ái là nghỉ việc cả lũ đấy."
"Đến lúc sếp phải cẩn thận hơn với những lời nói xúc phạm, thiếu tôn trọng với nhân viên rồi bởi giờ đây đã có Luật quy định."
"Quy định mới này bảo vệ nhân viên đó, mình từng chứng kiến cảnh nhân viên bị sếp mắng mỏ thậm tệ nhưng không dám làm gì vì sợ bị trừ lương. Giờ thì tốt rồi."
Bên cạnh đó, không ít người đã tỏ ra băn khoăn rằng nghỉ việc nhưng liệu có được chốt bảo hiểm, được trả đúng lương hay không mới là điều quan trọng. Tuy nhiên, theo Thư Viện Pháp Luật, tại khoản 3 điều 47 Bộ Luật Lao động 2012 có quy định rõ: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”. Vì vậy, người lao động hoàn toàn có thể yên tâm.
Cũng theo VOV, bộ luật đề cập đến một số trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước như:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn.
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động.
- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.