Xem YouTube cả ngày, nữ sinh Nam Định từ học sinh giỏi Quốc gia thành bệnh nhân tâm thần
- Thu Trần
- Đăng lúc: Chủ nhật, 20/12/2020 14:45 (GMT +7)
Năm lớp 12, Trang xa lánh không chỉ thầy cô, bạn bè mà cả bố mẹ. Em chỉ nhốt mình trong phòng ngoài giờ đi học để xem YouTube.
Theo tờ Pháp luật và Bạn đọc đưa tin, nữ sinh Nguyễn Thị Trang (18 tuổi, Nam Định - tên nhân vật đã được thay đổi) đã bị tâm thần chỉ vì xem YouTube cả ngày.
Được biết, Trang từng là niềm tự hào của gia đình, bởi trước đây em là học sinh giỏi cấp tỉnh và cả cấp quốc gia. Ở lớp, Trang hiền lành và rất hòa đồng. Em tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, ngoại khóa của trường nên được bạn bè, thầy cô yêu mến.
Tuy nhiên, bi kịch đã ập đến vào năm lớp 11. Theo đó, để khen thưởng thành tích học tập của Trang, bố mẹ đã tặng em một chiếc điện thoại di động đời mới. Thời gian đầu, Trang chỉ dùng điện thoại để nhận các cuộc gọi và nhắn tin cho người thân. Và rồi dần dần em bị thu hút vào thế giới ảo, những cuộc tranh luận không hồi kết trên mạng xã hội cũng như các clip thú vị trên Youtube và khiến em không dứt ra được.
Ngoài giờ học trên lớp vào buổi sáng, toàn bộ thời gian còn lại Trang đều dành cho điện thoại. Ngay cả khi tắm rửa, đi vệ sinh, Trang cũng không rời khỏi chiếc smartphone. Thậm chí, nhiều hôm em còn thức thâu đêm để lướt web, xem các clip trên Facebook, Youtube.
Anh Nguyễn Thành Phong - bố của Trang - từng nhận thấy sự thay đổi bất thường của con gái nhưng chủ quan về mức độ nguy hiểm vì cho rằng con đang độ tuổi teen nên tâm sinh lý thay đổi. Đến một ngày, anh nhận được điện thoại của giáo viên chủ nhiệm mời gia đình lên làm việc vì thành tích học tập của Trang xuống dốc thảm hại. Không chỉ vậy, cô giáo còn cho biết em còn xa lánh bạn bè, giờ ra chơi chỉ ngủ hoặc xem điện thoại.
Tưởng con gái đang yêu đương nên xao nhãng nên anh Phong gặng hỏi nhưng Trang nhất quyết không nói. Chỉ đến khi bố mẹ cắt mạng internet, không cho dùng mạng xã hội và điện thoại nữa thì Trang nổi điên, la hét và đập phá đồ đạc. Em còn dọa tự tử nếu không được sử dụng điện thoại.
Đến năm lớp 12, Trang không chỉ xa lánh thầy cô, bạn bè mà nay cả bố mẹ em cũng không thèm để ý tới. Ngoài giờ học, Trang chỉ nhốt mình trong phòng. Thành tích trên lớp tụt giảm đến mức Trang bị loại khỏi đội tuyển học sinh giỏi, nhưng Trang không mấy quan tâm vì thế giới của em lúc đó chỉ xoay quanh chiếc điện thoại.
Đến một ngày, chị Mây - mẹ của Trang dọn dẹp phòng con gái và phát hiện sự việc động trời. Đó chính là việc Trang đã tham gia một hội nhóm trẻ và có thử thách là tự làm đau mình hoặc tự tử. Nhóm này cho rằng, đó là cách giúp con người giải thoát khỏi những đau khổ của cuộc sống.
Quá hoảng sợ, vợ chồng anh Phong - chị Mây đã bàn bạc với nhau cho con đi chữa bệnh. Để Trang không phản ứng, anh Phong nhờ người chích thuốc mê rồi đưa con gái đến thẳng Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để cai nghiện mạng xã hội.
Tại đây, Trang được chẩn đoán bị trầm cảm nặng. Cô bé liên tục đòi dùng điện thoại, nếu không được như ý, cô có thể la hét, ném đồ đạc. Không ai có thể tưởng thượng một cô gái 18 tuổi, xinh xắn, cao ráo và trắng trẻo ấy lại có thể mắc phải căn bệnh trầm cảm.
Thực tế, Trang không phải trường hợp duy nhất thay tính đổi nết vì nghiện mạng xã hội. Trước em, từng có nhiều trường hợp trẻ vị thành niên bị nghiện mạng xã hội và phải gặp chuyên gia tâm lý để điều trị. Năm 2019, một bé trai 14 tuổi ở TP.HCM phải vào khoa Tâm lý, bệnh viện Nhi đồng 2 để trị chứng nghiện xem Youtube.
Nói về những ảnh hưởng của mạng xã hội đến trí não trẻ, từng có rất nhiều chuyên gia và các nhà nghiên cứu phản ánh điều này. Tiến sĩ Baroness Greenfield-Đại học Oxford cho biết: "Tác hại mà các website mạng xã hội đem lại sẽ khiến não của trẻ chậm phát triển, đồng thời ảnh hưởng đến tính cách của bé, khiến trẻ trở nên lầm lì, ít giao tiếp và dễ mắc chứng tự kỉ".