Xử phạt quảng cáo thuốc, mỹ phẩm sai sự thật từ 1/6/2021

Theo đó, trường hợp tổ chức vi phạm về quảng cáo thuốc, mỹ phẩm sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần so với cá nhân.

Tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, việc quảng cáo hàng hóa, dịch vụ nói chung và thuốc, mỹ phẩm nói riêng không đúng sự thật sẽ bị xử phạt từ 60 triệu đồng - 80 triệu đồng đối với cá nhân; ngoài ra, xử phạt gấp 2 lần đối với tổ chức vi phạm so với mức phạt với cá nhân, hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/6/2021. Hiện vi phạm trên chỉ bị xử phạt từ 50 triệu đồng - 70 triệu đồng.

Theo đó, xử phạt từ 60 triệu đồng - 80 triệu đồng đối với cá nhân (từ 120 triệu đồng - 160 triệu đồng đối với tổ chức) có hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa của cá nhân, tổ chức kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, kiểu dáng, giá, công dụng, bao bì, nhãn hiệu, chủng loại, xuất xứ, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định này.

Bên cạnh đó, cũng trong Nghị định 38/2021/NĐ-CP, việc xử phạt đối với các vi phạm về quảng cáo thuốc, mỹ phẩm cũng có quy định cụ thể riêng.

Xử phạt đối với các vi phạm về quảng cáo thuốc, mỹ phẩm sai quy định

Vi phạm các quy định về quảng cáo mỹ phẩm

  • Xử phạt từ 30 triệu - 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu lầm sản phẩm đó là thuốc.
  • Xử phạt từ 15 triệu - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: quảng cáo mỹ phẩm thiếu đi một trong các nội dung sau: tên mỹ phẩm; công dụng, tính năng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định; quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng không phù hợp với công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm; quảng cáo mỹ phẩm chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hoặc số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết thời hạn.
  • Xử phạt từ 10 triệu - 15 triệu đồng đối với hành vi không đọc rõ ràng một trong các thông tin: tên mỹ phẩm, tên và địa chỉ của cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và các cảnh báo theo quy định khi quảng cáo trên báo nói, báo hình.
  • Xử phạt từ 5 triệu - 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm ở địa phương khác mà không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi quảng cáo biết dù đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy tiếp nhận.
Xử phạt từ 30 triệu - 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu lầm sản phẩm đó là thuốc.

Vi phạm các quy định về quảng cáo thuốc

  • Xử phạt từ 30 triệu - 40 triệu đồng đối với một trong những hành vi: quảng cáo đối với sản phẩm không phải là thuốc nhưng lại có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, chẩn đoán bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người, trừ trang thiết bị y tế; sử dụng kết quả nghiên cứu lâm sàng, kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng, kết quả kiểm nghiệm, kết quả thử tương đương sinh học chưa được Bộ Y tế công nhận để quảng cáo thuốc; kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thuốc; quảng cáo thuốc theo tài liệu thông tin quảng cáo đã đăng ký hết giá trị; quảng cáo thuốc đang trong thời hạn xem xét, giải quyết hồ sơ theo quy định; quảng cáo thuốc không đúng với nội dung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo; quảng cáo thuốc chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành hoặc giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực; sử dụng chứng nhận chưa được Bộ Y tế công nhận, sử dụng lợi ích vật chất, lợi dụng danh nghĩa của tổ chức, cá nhân, các loại biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thuốc.
  • Xử phạt từ 20 triệu - 30 triệu đồng đối với quảng cáo thuốc có nội dung không phù hợp với tờ Hướng dẫn sử dụng thuốc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam hoặc chuyên luận về loại thuốc đó đã được ghi trong Dược thư quốc gia hoặc trong các tài liệu về thuốc đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất công nhận.
Xử phạt từ 20 triệu - 30 triệu đồng đối với quảng cáo thuốc có nội dung không phù hợp với tờ Hướng dẫn sử dụng thuốc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt
  • Xử phạt từ 10 triệu - 20 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thuốc thiếu một trong các nội dung: tên thuốc; tên hoạt chất trừ thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; chỉ định, trừ các chỉ định điều trị bệnh phong, bệnh lao, bệnh lây qua đường tình dục, bệnh đái tháo đường, bệnh khối u, bệnh ung thư hoặc bệnh rối loạn chuyển hóa tương tự, chứng mất ngủ kinh niên và chỉ định mang tính kích dục; chống chỉ định hoặc khuyến cáo cho các đối tượng đặc biệt như người có thai, người đang cho con bú, trẻ em, người già, người mắc bệnh mãn tính; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; khuyến cáo "Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng".
  • Xử phạt từ 5 triệu - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không ghi đúng quy định hoặc không đọc rõ ràng tên thuốc, tên hoạt chất trừ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, chống chỉ định, khuyến cáo đối với đối tượng đặc biệt và khuyến cáo "Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng" đối với quảng cáo thuốc trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử; không thể hiện đầy đủ tên thuốc; tên hoạt chất trừ thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và khuyến cáo "Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng" đối với quảng cáo thuốc trên phương tiện quảng cáo ngoài trời.

Lưu ý: Mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt gấp 2 lần so với cá nhân.

Bài liên quan

News feed