Bỏng gạo ống có khá nhiều tên gọi như: bỏng gạo, bỏng sâu, bỏng gậy, bỏng gạo nổ... Thậm chí, trên một trang blog ẩm thực của nước Mỹ, người ta cũng nhắc đến món bỏng Việt Nam bằng một cái tên khá dễ thương - kẹo gạo dài 100 bước chân. Bỏng có dạng hình ống tròn, bên trong rỗng ruột. Tùy theo sở thích của người làm cũng như người mua mà bỏng được cắt thành từng khúc đều nhau, ăn vào giòn tan.
Thời xưa, khi chưa có bim bim, chip chip và nhiều đồ ăn vặt như bây giờ thì bỏng gạo ống là một trong những món ăn được trẻ em yêu thích nhất. Thức quà vặt thơm ngon, hấp dẫn, không dầu mỡ, không độc hại, nói như người lớn thì là "lành". Nguyên liệu đơn giản, cách làm đơn giản. Thế nhưng, mỗi khi làm bỏng gạo ống thì những đứa trẻ ngày ấy chẳng thể nào giấu nổi vẻ háo hức trên khuôn mặt.
Món ăn vặt được làm từ những nguyên liệu gần gũi, có sẵn trong bất kỳ gia đình nào. Đó chính là gạo và đường mía. Tuy nhiên, để bỏng gạo ống thơm ngon, có nhiều mùi vị hấp dẫn thì người ta thường trộn thêm nhiều nguyên liệu khác như: đậu xanh, ngô, lạc, mì tôm, dừa khô ... hoặc có thể bỏ thêm một vài lá chanh thái sợi.
Cuối cùng, chỉ cần trộn các nguyên liệu lại với nhau rồi đổ hỗn hợp vào máy nổ bỏng. Khi máy chạy, nguyên liệu sẽ tự động xay đều, trộn với nước rồi tự khắc có bỏng gạo ống đẩy ra. Người ta sẽ cắt bỏng thành từng đoạn dài tùy theo sở thích của thực khách.
Bánh gạo ống ngon nhất là ăn khi mới ra lò, tức là ăn ngay tại xe làm bánh khi còn nóng hổi. Mùi thơm phức đặc biệt, hương vị ngọt ngào khiến nhiều người hoài niệm. Cái thức quà ngon lành đó được từng đứa trẻ chia nhau ăn, đứa thì ăn tại chỗ, đứa thì dành chút ít đem về nhà.
Nếu không ăn hết thì chỉ cần cho bánh vào túi nilong rồi buộc chặt lại. Những chiếc bỏng gạo đã nguội, dù không còn được giòn tan nhưng vẫn giữ được vị bùi, ngậy, beo béo đặc trưng khiến người ta bất chợt nhớ về một thời thơ ấu.
Sau này lớn lên, đi học rồi lập nghiệp ở phương xa, nhiều người nhớ quay quắt mùi vị bỏng gạo ống mà đôi lúc chẳng tìm thấy được. Dù chỉ là thức quà mộc mạc, dân dã nhưng bánh gạo ống đã theo chân thế hệ 8x, 9x đi hết cả một tuổi thơ. Âm thanh xình xịch từ chiếc máy nổ bỏng, rồi cả mùi quê hương, vị dân dã cứ thế theo từng chiếc bánh gạo ống trở về.
Bình luận