Nhắc đến Việt Nam, thật thiếu sót nếu không nhắc đến món ăn “thương hiệu”- bánh mì. Google từ khóa bánh mì, bạn có thể nhận lại được hàng triệu kết quả, phần lớn là những lời khen về lớp vỏ giòn, phần nhân cân bằng với nhiều loại nguyên liệu, hương vị. Ấy vậy mà có một loại bánh mì dung dị, nhỏ xíu xiu, nhân chỉ duy nhất có một loại mà lại khiến bao người sảnh ăn thổn thức. Đó chính là bánh mì cay Hải Phòng (hay còn gọi là bánh mì que).
Chiếc bánh mì rõ là giản đơn. Nguyên liệu làm vỏ bánh chẳng hề cầu kỳ, chỉ bao gồm bột mì, muối và bột nở, vậy mà bàn tay khéo léo của người thợ làm nên chiếc bánh ngang chỉ cỡ hai đốt ngón tay, dài chỉ cỡ gang tay. Kích thước nhỏ xinh, vừa vặn, cảm giác chỉ to hơn một chút là bánh sẽ ỉu, nhỏ hơn một chút là khô cứng. Khi nướng người bán cũng phải khéo, lật đều tay, để bánh giòn tới mà không cháy, khét. Điều đặc biệt là ở các tiệm bán bánh mì cay Hải Phòng, người ta vẫn dùng bếp than hồng, với vỉ nướng như muôn năm cũ. Vì thế, khi cắn miếng bánh mì cảm thấy giòn tan mà bên trong vẫn giữ được độ mềm vừa phải, lại khô ráo chứ không hề ngấm mỡ như khi sử dụng các máy nướng hiện đại, tiện lợi.
Nhân bánh chỉ có duy nhất pa-tê, nhưng hài hòa đủ hương vị. Pa-tê Hải Phòng được làm từ gan lợn, mỡ phần, thịt nạc, nêm thêm tiêu, muối, tỏi,… để tăng hương vị. Sau khi các nguyên liệu được xay nhuyễn, sẽ hấp cách thủy cho đến khi pate đạt được độ mềm dẻo dai, phần mỡ bên trên mềm tan như bơ là đạt. Khi kẹp với bánh mì, người bán chỉ cắt một phần pate vừa phải, đủ cả mỡ phần, đặt lên bếp nướng pa tê hơi se mặt, mùi thơm nồng nàn hòa cùng với mùi ngọt dịu của bột bánh mì vô cùng cuốn hút.
Ngoài pa tê và bánh mì, thật thiếu sót nếu thưởng thức bánh mì Hải Phòng mà thiếu “chí chương” - loại tương ớt đặc biệt ở xứ Cảng, được gọi theo cái tên đặc biệt xuất xứ từ những người gốc Hoa xưa kia. Món tương ớt này được “xay rối”, không quá mịn như những loại tương ớt đóng chai, khi ăn vẫn còn cảm được phần lạo xạo của các nguyên liệu ớt chỉ thiên, cà chua, tỏi,… đã được lên men theo công thức gia truyền. Vị cay đặc biệt của “chí chương” quyện cùng vị giòn ngọt của bánh mì, dẻo bùi của pa tê tạo nên một bản giao hưởng đồng điệu, tròn trịa trong vòm miệng của thực khách. Cũng chính loại sốt đặc biệt này làm nên hướng vị đặc biệt của “bánh mì cay”.
Bánh mỳ que Hải Phòng giờ có giá 2000 đồng/ chiếc, nếu thêm ruốc ăn cùng thì 3000 đồng/chiếc. Thực khách hay dùng kèm với “chè giun” (chè Thái làm từ hai loại bột-xanh mềm, trắng dai) hay sữa đậu nành mát lành, cân đối với vị bánh mì cay nồng. Các tiệm bánh nơi đây cũng rất chiều khách phương xa, có bán riêng pa-tê với giá quanh 100.000 đồng/ 0.5kg, bán riêng cả bánh mì không nhân. Bạn có thể mua mang về nhà, trữ trong ngăn đá tủ lạnh ăn dần, hâm nóng bằng lò nướng hoặc dùng chảo đều rất thơm ngon.
Một số địa chỉ bán bánh mì cay nổi tiếng tại Hải Phòng
- Tiệm Bà Già 57 Lê Lợi
- Tiệm Ông Cuông 184 Hàng Kênh
- Tiệm Thu Béo chợ Cột Đèn
- Tiệm số 37 Đinh Tiên Hoàng
- Ngã ba Khánh Nạp 192 Hàng Kênh
Bình luận