Vào dịp cuối năm, nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, trang trí nhà cửa để chuẩn bị đón một năm mới bình an. Và điều mọi người luôn tâm niệm rằng, việc lau dọn bàn thờ là quan trọng nhất và cần được làm thật kỹ càng, sạch sẽ.
Bàn thờ tổ tiên được cho là nơi linh thiêng, ngày thường không được tùy ý động chạm di chuyển mà chỉ lau chùi sạch sẽ. Theo quan niệm xưa, nếu xê dịch bát hương sẽ làm kinh động đến chỗ ở của thần. Thần không được an vị thì không muốn ở lại lâu, không chăm sóc cho gia đình tín chủ được. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách dọn bàn thờ, bài trí bàn thờ gia tiên hay cần kiêng kỵ điều gì để mang lại may mắn cho gia đình.
Không di chuyển bát hương tùy tiện: Người xưa quan niệm, việc tùy tiện di chuyển bát hương sẽ dễ chuyển sang hướng xấu, gây xui xẻo cho gia chủ. Đồng nghĩa với việc lòng thành của gia chủ không được chứng giám. Vì vậy, khi lau dọn bàn thờ chúng ta chỉ nên lau bát hương sạch sẽ, không nên tự ý di chuyển bát hương. Nếu có di chuyển phải làm đúng theo hướng dẫn của thầy phong thủy.
Tỉa và đổ chân hương sai cách: Khi hương đầy thường sẽ tỉa và đổ bớt chân hương đi. Nếu tỉa chân hương sau cách sẽ khiến tài lộc tiêu tán. Chân hương tuyệt đối không được lấy hết ra mà phải để lại 3, 5 hoặc 7 chân. Đặc biệt không được vứt chân hương bừa bãi vì người xưa quan niệm dễ bị tán tài. Sau khi tỉa, người ta thường đốt và thả tro xuống sông, ao, hồ hoặc hòa với nước bón cho cây. Và tuyệt đối không bỏ chân hương vào những nơi bẩn thỉu bởi sẽ phạm phải điều xấu.
Dùng nước lạnh rửa bài vị: Theo các nhà tâm linh, khi lau bài vị nên dùng nước ấm, không dùng nước lạnh. Khi tiến hành lau phải lau bài vị của thần Phật trước rồi đổ nước đi, thay nước ấm mới lau tiếp đến bàn thờ tổ tiên. Tuyệt đối không lau bài vị tổ tiên trước, như vậy là bất kính, mạo phạm thần Phật. Việc lau dọn bài vị rất quan trọng, không được tùy tiện, vội vàng cho xong chuyện được.
Sắp xếp đồ thời không đúng vị trí: Trước khi mang đồ xuống cọ rửa cần nhớ kỹ vị trí để sau đó sắp xếp lại cho đúng. Việc để sai đồ thờ cúng sẽ làm ảnh hướng lớn đến tài lộc của gia chủ.
Không làm đổ vỡ đồ thờ: Đồ thờ cúng trên bàn thờ là những vật linh thiêng, thể hiện sự tôn kính với người thân và tổ tiên đã khuất. Theo quan niệm dân gian, nếu không cẩn thận làm đổ vỡ thì gia chủ sẽ gặp chuyện không may. Bởi vì thiếu đi sự tôn trọng với người đã khuất.
Trước khi tiến hành dọn dẹp bàn thờ, người ta thường phải tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên bàn thờ. Sau đó, thắp một nén hương thông báo cho tổ tiên và thần Phật biết ngày hôm nay gia chủ sẽ thu dọn bàn thờ, mời thần Phật và tổ tiên tạm lánh sang một bên để con cháu thực hiện công việc. Tiếp theo, gia chủ lấy một chiếc bàn, bên trên trải tấm vải hoặc giấy màu đỏ để đặt bài vị. Nếu bàn thờ đặt chung bài vị gia tiên với thần Phật thì phải để riêng ra hai chỗ không được lẫn lộn. Đợi hương cháy hết mới bắt đầu tiến hành công việc.
Đầu tiên là lau rửa bài vị của thần Phật, tổ tiên. Sau khi lau xong mới đến phần dọn bát hương. Đây là công việc cũng rất quan trọng nên cần cẩn thận, tỉ mỉ. Khi bát hương khô ráo, nếu là bát hương thờ Phật thì dùng bảy tờ tiền vàng, bát hương tổ tiên dùng ba tờ tiền vàng đốt hơ quanh. Tiền vàng cháy một nửa thì bỏ vào trong bát hương, đợi tiền vàng cháy hết thì đổ tro vào. Lúc này sẽ đổ tro hết vào một lúc bởi theo quan niệm "tiền ra nhỏ giọt, tiền vào như thác đổ" chứ không múc từng ít một vì "tiền ra sẽ nhiều mà tiền vào thì ít".
Việc lau rửa đã xong thì tiến hành đem bài vị thần Phật và tổ tiên lại chỗ cũ. Trước tiên cần chuẩn bị một chiếc lò nhỏ trong có đốt than hoa, đặt dưới bàn thờ khoảng 15 phút rồi đốt 7 tờ tiền vàng làm dấu hơ ở bốn hướng trên dưới, trái phải. Dụng ý của việc làm này là dùng lửa để khai quang, làm sạch, tiền vàng chưa cháy hết thì bỏ vào lò than hoa. Đốt tiếp 7 tờ tiền vàng làm sạch vị trí muốn đặt tượng, bài vị thần Phật và bát hương rồi sau đó mới đặt các đồ vật vào vị trí cố định.
Bình luận