Trong đợt bão lũ vừa qua tại các tỉnh miền Trung, từ đầu tháng 10 đến nay số lượt bệnh nhân mắc bệnh Whitmore đến bệnh viện điều trị tăng đột biến. Tại Đà Nẵng, trong vòng 2 tháng trở lại đây, tình trạng bệnh nhân đang tăng một cách đáng báo động. Số ca mắc bệnh tăng cao gấp 7 lần tổng số từ đầu năm đến hết tháng 9.
Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm - Trưởng khoa Y học nhiệt đớiBệnh viện Đà Nẵng, bày tỏ sự quan ngại trước số lượng bệnh nhân hiện tại. Ông cho biết, trong tháng 10 và tháng 11, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 28 người dương tính với vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Trước đó, trong 9 tháng đầu năm, bệnh viện mới chỉ tiếp nhận có 4 ca bệnh.
Các bệnh nhân đến điều trị đều có chung các đặc điểm như sốt, vết thương có mủ và đau nhức. Cũng không ít ca bệnh đến nhập viện ở giai đoạn muộn của bệnh khi đã xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng... Tình trạng gia tăng đột biến này xảy ra sau khi những đợt mưa lũ xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm, vi khuẩn lây lan trong nước lũ ngập lâu ngày.
Whitmore là căn bệnh ít khi gặp, tuy không bùng phát thành dịch nhưng điều đáng lo ngại khi tỷ lệ không qua khỏi cao lên đến 40%. Mức độ nghiêm trọng của bệnh còn tùy thuộc vào tình trạng nhiễm trùng và bệnh nguy hiểm hơn với những người có bệnh nền sẵn.
Hiện bệnh Whitmore chưa có vaccine phòng bệnh. Vậy nên, để tránh mắc bệnh mọi người cần chủ động hạn chế tiếp xúc với các tác nhân lây nhiễm như đất, bùn lầy hay nơi ô nhiễm nặng. Bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên cho người dân không nên chủ quan với các vết thương hở, vết loét trên da. Khi nghi ngờ mắc các triệu chứng của bệnh Whitmore cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tuy bệnh không lây trực tiếp từ người sang người nhưng vẫn cần nghiêm túc thực hiện công tác phòng tránh bệnh để hạn chế khả năng mắc bệnh. Đặc biệt với những người có nguy cơ cao cần phải chú ý hơn.
Bình luận