Theo đó, Việt Nam hiện đang bước vào làn sóng dịch Covid-19 thứ ba, bắt đầu từ ngày 27/1 đến nay. Theo thống kê, hiện nước ta đang có 13 tỉnh, thành phố đã ghi nhận 811 ca mắc trên tổng số 2.403 ca mắc tính từ đầu năm 2020.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, ở giai đoạn 3 này có đến hơn 80% bệnh nhân Covid-19 tại nước ta chỉ có những biểu hiện nhẹ như sốt nhẹ, ho, mệt. Đặc biệt rất nhiều ca bệnh tự hồi phục sau khoảng 1 tuần, đặc biệt một số trường hợp không có bất kỳ biểu hiện triệu chứng nào.
Liên quan đến vấn đề này Bộ y tế cho biết, trong đợt dịch mới này bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ nhiễm không có triệu chứng tới những biểu hiện bệnh lý nặng. Chính vì vậy, với những ca biểu hiện nhẹ sẽ rất khó phát hiện trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế mới đây đã điều chỉnh, cũng như ban hành hướng dẫn mới về việc chăm sóc người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, thời gian ủ bệnh của những người dương tính với nCoV sẽ từ 2-14 ngày và trung bình là từ 5-7 ngày.
Những triệu chứng phổ biến khi khởi phát đó là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ, ngoài ra còn có thể là đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy.
Trong đó có chỉ 14% người bệnh có diễn biến nặng như viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện, và 5% người bệnh cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái…), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan, dẫn đến tử vong. Và thống kê cho thấy, những người bị nặng thường ở nhóm người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch.
Khi nhập viện các bệnh nhân dương tính với nCoV cần được theo dõi sát do thời gian từ khi có triệu chứng ban đầu đến khi diễn biến nặng chỉ từ 7-8 ngày.
Theo quy định của Bộ Y tế, những người dương tính với nCoV đủ điều kiện công bố khỏi bệnh khi hết sốt ít nhất 3 ngày cùng với đó là có 3 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp, mỗi lần cách nhau ít nhất 24 giờ.
Tính đến nay số lượng bệnh nhân Covid-19 trẻ em tại nước ta không nhiều, qua quan sát, đa số trẻ nhiễm bệnh có các biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn, thậm chí 1 số trẻ không có triệu chứng.
Các dấu hiệu phổ biến ở trẻ em là sốt và ho, hoặc các biểu hiện viêm phổi và cũng có 1 số trẻ bị tổn thương viêm đa cơ quan như sốt, ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng; các biểu hiện tổn thương chức năng tim và tăng men tim; rối loạn tiêu hóa; rối loạn đông máu và tăng các chỉ số viêm cấp.
Đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu cho Covid-19, do đó chủ yếu hỗ là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng, riêng các ca nặng, nguy kịch cần được hồi sức tích cực.
Bộ Y tế đề nghị, để giảm tỷ lệ các ca bệnh nặng thì ngay khi nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân xuống dưới 92%, các y bác sĩ và cơ quan y tế cần cân nhắc chỉ định thở oxy dòng cao qua gọng mũi sớm hoặc thở máy không xâm nhập. Trường hợp bệnh nhân không đáp ứng, thì cần can thiệp đặt ống nội khí quản.
Đối với các trường hợp bị rối loạn huyết động, suy chức năng đa cơ quan và rối loạn ý thức, thì Bộ y tế lưu ý là không sử dụng thở máy không xâm nhập.
Trường hợp bệnh nhân thiếu oxy nặng, thất bại với các biện pháp điều trị thông thường thì Bộ lưu ý cần cân nhắc chỉ định dùng kỹ thuật hỗ trợ tim phổi nhân tạo (ECMO) bên cạnh đó là kết hợp các biện pháp hỗ trợ khác.
Cả nước ta tính đến nay còn 604 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, trong số này có 2 bệnh nhân rất nặng đang phải can thiệp EMO đó là bệnh nhân 1536, nữ, 79 tuổi ở Đà Nẵng và 1823, nam, 65 tuổi ở Hà Nội.
Theo Bộ Y tế, hiện nay tại 1 số nước việc sử dụng vaccine phòng bệnh mới bắt đầu được triển khai và cũng còn nhiều khó khăn do đó, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chủ động như mang khẩu trang, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt môi trường, giữ khoảng cách, tránh tụ tập đông người… là 1 trong những điều tối quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2.
Bình luận