Các nhà dự báo thời tiết thường phải đặt tên cho các cơn bão để tránh nhầm lẫn trong việc đưa ra các thông tin về từng cơn bão, tạo thuận lợi cho việc liên lạc trong giới chuyên gia với nhau cũng như giúp công chúng dõi diễn biến của từng cơn bão.
Theo ghi chép, cơn bão nhiệt đới đầu tiên được đặt tên là vào thế kỷ 20, do một nhà dự báo thời tiết của Australia thực hiện. Ban đầu, ông đã chọn tên những chính trị gia mà ông ghét nhất để đặt tên cho mỗi cơn bão xuất hiện.
Tuy nhiên, lệ này đã thay đổi từ cuối thập niên 30. Theo đó, vào thời gian khởi phát chiến tranh Thế giới thứ 2, đoàn dự báo thời tiết của Lục quân và Hải quân Mỹ đã đề ra “luật” mới cho các cơn bão nhiệt đới ở Thái Bình Dương. Họ lấy tên phụ nữ để đặt tên cho bão, và thường là tên của những người phụ nữ xinh đẹp và rắc rối. Được dùng là tên bão nhiều nhất là vợ và bạn gái của các nhà dự báo thời tiết.
Tới năm 1953, cơ quan khí tượng Mỹ đưa ra quyết định bằng văn bản để đặt tên cho các cơn bão bằng tên phụ nữ.
Điều này chỉ thay đổi vào năm 1979, khi Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Cơ quan khí tượng Mỹ (NWS) quyết định đưa tên đàn ông vào.
Tuy thế, vẫn có những vùng mà phụ nữ không bị "định kiến" như vậy. Ví dụ ở vùng bắc Ấn Độ Dương, các cơn bão nhiệt đới không được đặt tên.
Từ ngày 1/1/2000 các cơn bão ở Thái Bình Dương được đặt tên theo danh sách các tên mới và rất khác nhau. Các tên mới được lấy từ 14 nước và vùng lãnh thổ là thành viên của Uỷ ban bão của Tổ chức Khí tượng Thế giới. Mỗi thành viên cung cấp 10 tên, tạo thành danh sách 140 tên bão. Những năm gần đây, bão ít được đặt theo tên riêng của người mà gắn với tên các loài hoa, động vật, chim muông, cây cỏ, món ăn, dòng sông hay những vị thần.
Bình luận