Hôm 17/10, bác sĩ nam 62 tuổi, đang làm việc ở bệnh viện thì bị nhồi máu cơ tim cấp ngưng thở trong 90 phút.
Sau khi được hồi sức 45 phút, tim của ông đập trở lại, nhưng trên đường vận chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, tim của bệnh nhân bị ngưng nhiều lần nữa, đội cấp cứu đi cùng phải ép tim ngoài lồng ngực liên tục, tiêm 40 ống Adreanalin (thuốc cấp cứu trong ngừng tim) để duy trì nhịp tim yếu ớt cho bệnh nhân.
Khi xe cấp cứu còn trên đường đi, các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã báo động đỏ nội viện, chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng cấp cứu cho bệnh nhân. Khi vào viện, bệnh nhân này đã trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử hai bên giãn 4mm, phản xạ ánh sáng chậm, huyết áp và mạch không đo được, toàn thân tím tái.
Ê kíp cấp cứu đã kiên trì áp dụng tất cả phương pháp hồi sinh tim phổi, thay nhau ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, thở máy, sốc điện phá rung, dùng thuốc vận mạch, điều chỉnh toan kiềm liên tục trong suốt 35 phút, sau đó bệnh nhân có nhịp tim trở lại, được hỗ trợ hô hấp thở máy, sử dụng thuốc vận mạch liều cao...
Bác sĩ chuyên khoa II Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, đánh giá bệnh nhân chỉ tạm thời thoát hiểm, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao vì ông mắc nhiều bệnh nền như: Tăng huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Sau đó các bác sĩ chỉ định can thiệp mạch vành khẩn, đặt stent tái thông mạch máu tắc để xử lý dứt điểm vấn đề và trái tim co bóp tưới máu lại.
Nhưng các bác sĩ cho biết, do thời gian ngưng tim lâu, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng, suy đa tạng nặng, nên phải lọc máu liên tục kết hợp thở máy, theo dõi huyết động dài ngày.
Qua hai tuần điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh mê, dấu hiệu sinh tồn dần ổn định, tiếp xúc được và thực hiện tốt y lệnh của bác sĩ. Đến sáng nay, 22/10, bệnh nhân đã ngưng lọc máu liên tục, tiên lượng khả quan hơn. May mắn ông không mắc di chứng thần kinh dù đã ngừng tim 90 phút.
Chia sẻ về trường hợp bệnh nhân này, bác sĩ Phước cho biết: "Đây là bệnh nhân có thời gian ngừng tuần hoàn lâu nhất được cứu sống tại bệnh viện chúng tôi. Tập thể y bác sĩ đã phải vắt kiệt sức lực mới cứu được người đồng nghiệp tưởng đã cầm chắc cái chết. Thực sự là một kỳ tích trong thực hành lâm sàng".
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, khẳng định, cứu sống bệnh nhân này là nhờ thao tác tốt kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn sẽ đảm bảo duy trì sự sống của các tạng, do đó bệnh viện sẽ nâng thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn lên dài hơn và tích cực hơn để tận dụng mọi cơ hội nhỏ nhất cứu sống bệnh nhân.
Bình luận