Cháo là một món ăn thường được nấu bằng gạo hoặc bột gạo với đặc trưng là khá loãng để dễ dàng húp hoặc xúc bằng thìa. Nhìn chung trong văn hóa ẩm thực của nhiều quốc gia, cháo sẽ luôn đi với thìa. Thế nhưng khi đến làng Hạ Mỗ, Đan Phượng, bạn sẽ bắt gặp một món cháo lâu đời có cách thưởng thức vô cùng đặc biệt. Thay vì dùng thìa, bạn sẽ phải dùng đũa để gắp khi ăn.
Nguyên liệu để nấu cháo se khá đơn giản, thường chỉ là gạo tẻ và xương lợn. Thế nhưng để chế biến món cháo se, người đầu bếp phải chuẩn bị khá nhiều công đoạn tỉ mỉ. Gạo tẻ loại ngon sau khi vo kỹ sẽ được mang đi ngâm nước khoảng 12 giờ cho mềm rồi xay thành bột nước. Tiếp đến, họ sẽ dùng khăn lọc hoặc cho bột nước vào một túi vải dày rồi treo lên cao cho róc bớt nước để thu được bột dẻo mềm nhuyễn và trắng phau.
Nước dùng nấu cháo có thể được ninh từ bất kỳ phần xương nào, thế nhưng ngon nhất vẫn là xương đuôi. Xương sau khi được ninh nhừ sẽ có phần nước dùng ngọt thanh mà không bị ngấy. Phần thịt ít ỏi được róc từ những miếng xương sẽ được băm nhỏ và xào với hành khô, một chút gia vị cho đậm đà để ăn cùng cháo chín. Theo những người có kinh nghiệm nấu cháo se thì cháo ngon nhất khi sử dụng nồi gang và nấu trên bếp củi. Khi nấu cũng cần giữ lửa vừa phải để cháo không bị bén nồi.
Khi đã có nước xương hầm, người ta sẽ cho từng phần bột nhỏ vào lòng bàn tay và xoe lại thành các sợi nhỏ bằng đầu đũa rồi thả vào nồi nước dùng đang sôi. Công đoạn này khá mất thời gian nên thường sẽ có hai đến ba người cùng nhau . Những sợi bột được se khéo léo và thả trong nước đã sôi già nên chín nhanh mà không hề dính vào nhau. Thi thoảng, người nấu sẽ dùng một đôi đũa dài, khuấy nhẹ để các sợi bột ngắt ra thành những đoạn ngắn vừa ăn.
Chờ cho các sợi bột chín, người ta sẽ thêm vào nồi cháo se một chút “bột hoà” (phần bột được bớt lại từ trước) để cháo sánh mịn hơn. Sợi bột khi chín sẽ chuyển sang màu trắng trong và không còn lõi bột. Khi đó, người nấu cháo sẽ cho thịt nạc xào thơm vào và nêm nếm lại gia vị rồi múc ra bát.
Để món cháo se dậy mùi và ngon hơn, người ăn cũng có thể thêm vào một chút hạt tiêu xay. Cháo se thường được ăn một cách chậm rãi để có thể cảm nhận rõ hơn vị ngọt thanh của nước xương hầm kết hợp với phần bột dẻo dai.
Cháo se dù không phải món cháo phổ biến nhưng lại là nét món ăn đặc sắc của người dân Hạ Mỗ. Hiện nay, cháo se vẫn được người dân Hạ Mỗ duy trì xuất hiện hơn cả là trong các đám cưới, hội hè hay các dịp vui tại ngôi làng này và được dùng như một món khai vị lạ miệng.
Ngoài Hạ Mỗ, Đan Phượng thì người dân Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cũng có món cháo này, tuy nhiên dường như cháo se ở Hương Canh, Vĩnh Phúc phần nước và sợi cháo rõ rệt hơn chứ không sánh đặc như cháo canh Hạ Mỗ.
Bình luận