"Ngủ đông" là kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động ngoài cơ thể, yêu cầu cao về trình độ cũng như trang thiết bị và thường chỉ được thực hiện ở các bệnh viện tuyến trung ương. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện thành công kỹ thuật này.
Theo đó, vào chiều ngày 09/09, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận bệnh nhân nam N.V.H. (58 tuổi, ngụ tại phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai). Bệnh nhân này đã được cấp cứu trước đó tại Bệnh viện quốc tế Hoàn mỹ Đồng Nai trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở vì nhồi máu cơ tim.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, các bác sĩ đã hồi sức thành công cho bệnh nhân. Thông qua kết quả chụp mạch vành cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trước rộng, tắc ở nhánh xuống trước trái (đây là nhánh mạch máu chính quan trọng của tim). Sau đó bệnh nhân được can thiệp mạch vành để tái thông mạch máu bị tắc.
Tuy nhiên sau khi được thực hiện tái thông mạch vành, bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê dẫn đến khả năng bị tổn thương não, có nguy cơ phải sống đời sống thực vật kèm theo tổn thương đa cơ quan.
Đứng trước tình hình cấp bách trên, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã cho bệnh nhân “ngủ đông” (kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động ngoài cơ thể) để giảm nhu cầu chuyển hóa của cơ thể, giúp não của bệnh nhân bớt viêm và bảo tồn các tế bào trong cơ thể bệnh nhân kết hợp lọc máu liên tục.
Bác sĩ Đào Nguyễn Minh Châu, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, để thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động ngoài cơ thể, bác sĩ sử dụng một loại chăn lạnh, có các mạch lưu thông nhỏ, bên trong có các loại dịch, được gắn vào máy hạ thân nhiệt chỉ huy để hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống khoảng 35 độ C. Sau 2 - 3 ngày, khi bệnh nhân hồi phục về tri giác thì sẽ tăng dần nhiệt độ cơ thể cho bệnh nhân và điều trị các bước tiếp theo.
Các bác sĩ cho biết nếu không thực hiện kỹ thuật này, khả năng hồi phục của bệnh nhân bị ngưng tim rất thấp. Và đa số bệnh nhân có tổn thương não, để lại di chứng, phải sống đời sống thực vật, thậm chí là tử vong.
Bình luận