Nhắc đến Bạc Liêu, người ta không chỉ nhớ đến cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử mà còn ấn tượng với hệ thống các di tích lịch sử, công trình văn hoá tín ngưỡng độc đáo của dân tộc Kinh – Khmer – Hoa. Đặc biệt, Bạc Liêu chính là nơi có chùa Xiêm Cán, một trong những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và đẹp nhất các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Chùa Xiêm Cán nằm tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, nơi đây cách trung tâm thành phố khoảng 7km, vì vậy khá thuận tiện cho du khách có cơ hội ghé thăm chùa khi đến Bạc Liêu. Đặc biệt, chùa Xiêm Cán còn nằm trên cung đường có khá nhiều điểm tham quan đặc sắc của Bạc Liêu như: nhà Công tử Bạc Liêu, vườn chim Bạc Liêu hay cánh đồng điện gió…
Chùa Xiêm Cán được bắt đầu xây dựng từ năm 7/5/1887 với diện tích lên tới 4500 m2. Tuy không phải là công trình Khmer lâu đời nhất, thế nhưng chùa Xiêm Cán là một trong những công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc của đồng bào Khmer nhất Nam Bộ.
Ban đầu chùa Xiêm Cán được đặt cái tên Khmer là Komphisako, tức là biển sâu, ý nghĩa của cái tên này nhằm thể hiện sự sâu xa và uyên bác trí tuệ của Phật.Ngoài ra, chùa còn được gọi bằng cái tên Komphirsakor Prét Chru (nghĩa là sông sâu).
Tuy nhiên sau khi một bộ phận người Hoa di cư đến đây và nhận thấy cái tên Komphirsakor Prét Chru quá khó đọc, họ đã dịch từ “Prét Chru” sang tên gọi Xiêm Cán. Xiêm Cán có nghĩa là “giáp nước”, nghĩa là ngôi chùa nằm trên một bãi bồi ven biển vì trước đây ngôi chùa này chỉ cách biển khoảng 500m.
Theo quan niệm của người Khmer, đường tu hành chánh quả của đức Phật là từ Tây sang Đông, vì vậy mọi công trình kiếm trúc của chùa Xiêm Cán đều quay về hướng Đông. Chùa Xiêm Cán gồm có nhiều hạng mục như: tường thành bao quanh, chính điện, cổng tam quan, tháp chuông, sala, khu mộ tháp…
Tính đến nay, chùa Xiêm Cán đã trải qua 9 đời trụ trì và được trùng tu, sửa chữa vài lần. Điểm nổi bật của chùa Xiêm Cán so với nhiều ngôi chùa Khmer khác là sự tỉ mỉ và kì công của từng hoạ tiết trang trí trên vách, mái nhà hay trụ cột. Bên cạnh đó, chùa cũng được bao quanh bằng một hàng rào kiên cố với nhiều đường nét hoa văn ấn tượng.
Từ xa nhìn lại, chùa Xiêm Cán nổi bật với màu vàng và chiếc cổng với kiểu tháp nhọn đặc trưng trong kiến trúc Angkor. Bên cạnh hình ảnh tượng Phật ở giữa, bên dứoi bảng tên cổng chùa còn được chạm khắc tỉ mỉ hình ảnh hai chim thần Krut và hai rắn năm đầu uốn lượn. Đi từ cổng chính vào, du khách sẽ đi ngang qua hai hàng cây cổ thụ toả bóng râm mát.
Chánh điện với tượng Phật Thích Ca là công trình nổi bật nhất của quần thể chùa Xiêm Cán. Nơi đây không chỉ được chạm trổ những hoạ tiết tinh xảo, tỉ mỉ mà còn có những bức bích hoạ hay phù điêu đẹp mắt. Chánh điện có cấu trúc mái theo nhiều tầng, các tầng tầng lớp lớp chồng lên nhau tạo thành khoảng không gian cao vút, kết hợp với các đỉnh nhọn.
Hai bên cánh điện là nhiều tháp cốt cùng một nhà hoả thiêu nhỏ nằm dưới tán cây mát mẻ. Với cách sơn và trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt, những tháp cốt này không chỉ “toả ra” nét cổ kính, trầm mặc mà còn tạo nên sự sinh động và “hút mắt” vô cùng.Bên cạnh đó, chùa Xiêm Cán còn có cột trụ với tượng thần răn Nagar 5 đầu hay sala chạm khắc hình ảnh Xanac dắt bạch mã đưa thái từ Sidatta qua sông tìm đường giác ngộ…
Ngoài việc là một ngôi chùa nổi bật với kiến trúc Khmer độc đáo, chùa Xiêm Cán còn là nơi lưu giữ và hình thành nhiều nét văn hoá đặc trưng trong đời sống tâm linh của người Khmer. Hiện chùa còn lưu giữ bộ sách Khmer cổ viết trên lá cây dày khoảng 70 trang và có một giảng đường cổ gìn giữ những cuốn truyện kể dân gian từ xưa đến nay.
Nếu đến thăm Bạc Liêu vào những dịp lễ hội của người Khmer như Tết Chol Chnam Thmay, Ok Om bok hay lễ Đôn Ta, chắc chắn bạn sẽ thích thú với hình ảnh chùa Xiêm Cán được trang hoàng lộng lẫy và không khí nhộn nhịp của đồn bào Khmer Bạc Liêu.
Bình luận