Bất cứ cha mẹ nào cũng muốn trẻ nói chuyện tự tin trước mọi người, muốn trẻ thể hiện ý tưởng và cảm xúc của bản thân rõ ràng, thoải mái ở các cuộc trò chuyện, thảo luận tại lớp, tự tin phát biểu trước đông đảo thầy cô… Nhưng điều này không dễ dàng với những đứa trẻ nhút nhát.
Bạn không thể biến trẻ thành một "diễn giả" chỉ trong ngày một, ngày hai vì trẻ cần thời gian để tiến bộ, vì vậy bạn nên kiên nhẫn. Đừng quá thúc ép mà hãy khuyến khích để giúp trẻ cải thiện từng ngày.
Luôn để bé được thoải mái
Trẻ con đôi khi có những lời nói làm bố mẹ không hài lòng khi có khách và nhiều người dạy con bằng cách trách phạt con trước mặt khách. Nhưng đây là việc làm sai lầm làm con ngại giao tiếp với mọi người hơn.
Bố mẹ hãy nhẹ nhàng động viên, khuyến khích, để cho bé được nói ra những gì bé muốn. Nếu điều bé nói chưa đúng đắn hãy chỉnh sửa dần dần để con dễ tiếp thu hơn.
Để trẻ vào vai "nhân vật" yêu thích
Cha mẹ hãy giả dạng một "nhân vật" nào mà trẻ thích cũng là một cách hữu ích để tăng sự tự tin. Trẻ có thể vào vai một giáo viên, một nhân vật trong phim hoặc một người bất kỳ mà mình yêu mến. Lúc này trẻ có thể xem đó là một trò chơi và thoải mái khi nói, diễn đạt, suy nghĩ rành mạch hơn.
Tạo các cuộc thảo luận trong gia đình
Khuyến khích trẻ nói, đưa ra ý kiến của mình tại các cuộc thảo luận trong gia đình. Đôi khi những chủ đề để thảo luận có thể đơn giản là những việc hàng ngày, từ việc xem chương trình truyền hình nào vào buổi tối hoặc ghé cửa hàng nào mua đồ ăn cho gia đình vào ngày mai… Giúp trẻ dễ dàng nói ra suy nghĩ của mình, trước tiên là với những người thân trong gia đình sẽ khiến trẻ tự tin khi bày tỏ suy nghĩ với người lạ.
Cho trẻ tự quyết định
Để trẻ tự đưa ra những quyết định nhỏ trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ, hỏi trẻ xem chúng muốn mặc chiếc áo, chiếc quần nào đi học, đi chơi hoặc chọn món ăn nào cho bữa sáng, bữa tối… Chính từ những việc đưa ra quyết định từ các việc nhỏ như vậy cũng có thể giúp trẻ tự tin hơn.
Tổ chức buổi biểu diễn nhỏ
Đề nghị trẻ hát một bài hát cho bố mẹ hoặc anh, chị em trong gia đình nghe, để trẻ có cơ hội biểu diễn trước một nhóm "khán giả" quen thuộc. Dù ban đầu trẻ có thể co rúm người vì ngại ngùng, xấu hổ, nhưng trẻ sẽ dám thử với sự hỗ trợ của bạn.
Gợi ý mở đầu cuộc trò chuyện
Với nhiều trẻ nhút nhát, chúng thường không biết phải nói gì và bắt đầu từ đâu, vì vậy, bạn có thể gợi ý cho trẻ vài câu giới thiệu hoặc hỏi ngắn để mở đầu một cuộc trò chuyện. Những câu cụ thể, đơn giản như: "Xin chào. Tên tớ là… Tên bạn là gì?"…
Sắp xếp các buổi giao lưu
Trẻ càng hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa càng có nhiều khả năng cải thiện sự tự tin khi giao tiếp. Do đó, bạn nên sắp xếp và tạo cơ hội để trẻ có thể gặp gỡ, giao lưu cùng nhiều nhóm bạn ở các môi trường khác nhau.
Khuyến khích trẻ đặt câu hỏi
Khi bạn và trẻ đi mua sắm cùng nhau, hãy khuyến khích trẻ nói chuyện, đặt câu hỏi với nhân viên, thu ngân khi mua hàng và thanh toán. Chính những cuộc trò chuyện, dù ngắn, với một vài người lạ, trong đó có nội dung, mục đích, thời lượng rất cụ thể, là cách luyện tập tốt cho trẻ.
Bình luận